Thác Hai - Di chỉ khảo cổ học quý giá và độc đáo
Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (ở thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong các năm 2021, 2022 và Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức khai quật năm 2024.
Qua 3 lần khai quật đã thu được nhiều di tích, di vật quý giá, độc đáo lần đầu được phát hiện ở khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, ở đợt khai quật lần thứ ba, năm 2024 các nhà khảo cổ đã có một số khám phá mới so với 2 đợt khai quật trước đó, góp phần làm sáng tỏ hơn những giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất cao nguyên.
Tại Hội thảo khoa học "Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển" (22/11/1904 - 22/11/2024) được tổ chức cuối tháng 10/2024, Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC QUÝ, Viện khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có những chia sẻ về những khám phá mới xung quanh Di chỉ Thác Hai.
+Thưa Tiến sĩ điều gì khiến giới khảo cổ học và giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam rất quan tâm đến Di chỉ Thác Hai (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk)?
Di chỉ Thác Hai được giới khảo cổ học và giới nghiên cứu lịch sử rất quan tâm là vì lần đầu tiên thấy được một di chỉ công xưởng, mà ngoài những mũi khoan thường thấy ở các di chỉ công xưởng đã tìm thấy trước đó, còn có dấu vết của lò đúc thủy tinh và những đồ tạo tác thủy tinh.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý. |
Các di chỉ công xưởng ở khu vực Tây Nguyên đã được tìm thấy rất nhiều, nhưng lò đúc và dấu vết đúc thủy tinh là lần đầu tiên. Hiện vật thủy tinh trước đây chủ yếu được các thương nhân Ấn Độ đưa vào qua các trung tâm mua bán lớn. Thế nhưng, ở Di chỉ Thác Hai có hiện tượng đúc thủy tinh đã khẳng định thời đại Kim khí nó là một trong những trung tâm nấu đúc thủy tinh để tạo ra các sản phẩm để buôn bán liên vùng.
Điều đó chứng minh nơi đây không chỉ đơn thuần là một khu vực cung cấp nguyên liệu, sản vật cho các trung tâm buôn bán ở ven biển, mà Đắk Lắk là một giao điểm, một trung tâm buôn bán liên vùng, giữa miền ngược và miền xuôi, đã tham gia vào con đường buôn bán trên biển giữa các trung tâm văn minh Ấn Độ - Trung Hoa ở những thế kỷ đầu công nguyên.
Hiện nay, những tư liệu về các cuộc khai quật ở Di chỉ Thác Hai mới chỉ được thông báo hạn chế; trong thời gian tới việc công bố rộng rãi những kết quả có được có thể ảnh hưởng lớn đến nhận thức về thời đại Kim khí ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Á.
+ Hiện vật tìm thấy ở Di chỉ Thác Hai đa số là đồ đá, bên cạnh các hiện vật thủy tinh, gốm nhưng sao giới chuyên môn lại xếp đó là thời đại Kim khí?
Các đồng nghiệp của tôi nhận định Thác Hai là ngôi làng cổ có thời gian cứ trú lâu dài khoảng 1.000 năm; nằm trong khung niên đại từ khoảng trên 3.500 - 2.000 năm cách ngày nay, với hai giai đoạn phát triển sớm và muộn: Giai đoạn sớm thuộc Hậu kì Đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan; Giai đoạn muộn thuộc thời đại Kim khí, với lớp văn hóa chứa dấu tích lò nấu đúc và nhiều hiện vật hạt chuỗi thủy tinh...
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý phát biểu tại Hội thảo khoa học "Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển". Ảnh: CTV |
Có mấy vấn đề, phân loại theo loại hình hiện vật của khoa học khảo cổ, Di chỉ Thác Hai ngoài đồ đá, còn có đồ gốm, đồ thủy tinh. Đồ thủy tinh ở giai đoạn từ khoảng 2.500 năm trở về trước chủ yếu có nguồn gốc từ Ấn Độ, cư dân bản địa chưa sản xuất được, nhưng khoảng vài thế kỷ trước sau Công nguyên kỹ thuật chế tác thủy tinh đã được các dân tộc bản địa tiếp thu và chế tác. Thác Hai là một trong những nơi tiếp thu kỹ thuật sản xuất thủy tinh sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đấy là một trong những căn cứ để các nhà khảo cổ xếp Di chỉ Thác Hai vào thời đại Kim khí.
Một luận chứng thứ hai, khẳng định Di chỉ Thác Hai thuộc thời đại Kim khí là qua kết quả phân tích bằng phương pháp phóng xạ về chu kỳ phân rã carbon (C14) các mẫu vật khai quật được từ di chỉ.
+ Trong Di chỉ Thác Hai có hiện vật rất quý đó là các mũi khoan. Vậy những mũi khoan đó nó thể hiện giá trị văn hóa và lịch sử như thế nào, thưa Tiến sĩ?
“Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” với những giá trị đặc trưng quý giá, độc đáo, mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Mũi khoan thể hiện hai vấn đề. Một là sưu tập mũi khoan cho thấy cư dân Thác Hai là những người thợ thủ công điêu luyện trong một ngôi làng chuyên hóa về nghề thủ công chế tác đá ở một trình độ rất cao.
Thứ hai những mũi khoan thể hiện có sự phân công lao động khá cao trong xã hội đã hình thành các làng nghề chuyên nghiệp. Đó là sự phân công lao động rõ ràng chỉ có được ở những xã hội tương đối phát triển, không thể xuất hiện trong những xã hội thô sơ.
Một số hiện vật rìu, bôn khai quật được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Ảnh: Ánh Ngọc |
Từ trước đến giờ, kể cả những người làm nghiên cứu lịch sử hay khảo cổ đều mong muốn tìm kiếm được cứ liệu khoa học chứng minh vấn đề này. Quan điểm trước đây, có lẽ Tây Nguyên là một khu vực đóng kín, nhưng qua khảo cổ đã phát hiện được những di chỉ như Thác Hai đã cho thấy ngay từ kỳ đầu công nguyên Tây Nguyên đã là một xã hội rất sôi động.
+ Ngoài nhóm hiện vật đá, ở Di chỉ Thác Hai còn có các nhóm hiện vật khác thể hiện giá trị văn hóa và lịch sử như thế nào, thưa tiến sĩ?
Một nhóm di tích, di vật rất đáng chú ý ở Di chỉ thác Hai là nhóm hiện vật thủy tinh. Địa điểm Thác Hai chính là nơi đầu tiên phát hiện lò và những dấu vết của việc nấu đúc đồ trang sức bằng thủy tinh ở trên cả một khu vực rộng lớn miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam.
Cũng nói thêm, tôi có nghiên cứu về các trung tâm giao thương ở ven biển miền Trung và Nam Bộ Việt Nam thời Tiền sử. Các trung tâm giao thương chủ yếu phân bố ở ven biển trên con đường ven từ Ấn Độ sang Trung Hoa. Ở miền Trung Việt Nam có hai điểm, một là Khánh Hòa, hai là khu vực sông Thu Bồn. Lưu vực sông Thu Bồn mở lên cao nguyên Gia Lai - Kon Tum. Từ điểm Khánh Hòa con đường giao thương sẽ phát triển theo thung lũng Krông Pắc - Đắk Lắk đến Nam Tây Nguyên. Từ Thác Hai có thể xác định Tây Nguyên không đơn thuần chỉ là vùng khai thác nguyên liệu cho con đường buôn bán ven biển, Thác Hai đã thực sự là một trung tâm giao thương trên tuyến đường đó.
Bên cạnh phát hiện nổi bật của khảo cổ học Thác Hai, Đắk Lắk còn là khu vực phát hiện nhiều trống đồng Đông Sơn, nhất ở ngoài văn hóa Đông Sơn từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông Nam Á hải đảo cho biết những ảnh hưởng của các cư dân Việt cổ đã xuất hiện khá sớm ở Tây Nguyên từ văn hóa Đông Sơn.
Những thông tin từ các di tích, di vật trên đây là minh chứng khẳng định thời tiền sử vùng đất Đắk Lắk nói riêng và xã hội Tây Nguyên đã rất sôi động và phát triển.
+Xin cảm ơn Tiến sĩ.
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc