Multimedia Đọc Báo in

Về lại Bờ Y

10:40, 26/05/2025

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn từng nói: “Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương”.

Ngày xưa vọng về

Từ Hà Nam, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, chúng tôi thăm biên ải Bờ Y. Dẫn đường là Trung tá Phan Quang Vinh, đặc biệt có nguyên Trung đội phó Nguyễn Hữu Nghị, người tham gia Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, một trong 10 chiến dịch lớn nhất ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Ô tô rời Quốc lộ 14 đến Quốc lộ 40. Thảm nhựa uốn lượn dọc những cánh rừng cao su hồi sinh, những nếp nhà nhỏ bình yên của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Thái, Ba Na, Mường, Dao, Brâu, Ca Dong, Giẻ Triêng… Sát quốc lộ, bóng dáng đường băng sân bay dã chiến của chế độ cũ vẫn còn rõ.

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Ông Nguyễn Hữu Nghị trở thành thuyết minh viên khi chiếc xe lăn bánh trên vùng đất “từ những năm đau thương chiến đấu/ Đã ngời lên nét mặt quê hương” (Nguyễn Đình Thi).

Ông Nghị quê ở tỉnh Hà Nam, nhập ngũ năm 1970 lúc 17 tuổi và tham gia đánh căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh, tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch tại Bắc Tây Nguyên. Tiểu đoàn của ông Nghị hành quân từ Thanh Hóa vào Kon Tum giao quân cho Trung đoàn 15. Gần nửa tháng, ô tô men đường rừng, ngày đi đêm nghỉ, khi mé Trường Sơn Đông ở Việt Nam, lúc phải vòng qua mé Trường Sơn Tây trên đất nước bạn.

Câu chuyện kể của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nghị còn được diễn đạt bằng những vần thơ ông viết vào tháng 1/1973: “Đêm nay đến Trạm mười lăm/ Đã gần Tổ quốc Việt Nam quê nhà/ Chặng đường đi mấy ngày qua/ Trèo đèo lội suối quả là khó khăn/ Bụi đường nhem nhuốc áo quần/ Đường gần tới Trạm đã gần nửa đêm/ Tìm cây dây võng mắc lên/ Làm ngay một giấc cho quên nhọc nhằn/ Vượt qua tất cả khó khăn/ Quyết tâm đi tới miền Nam diệt thù”...

Ngã ba Đông Dương, cách thị trấn huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) 13 km. Rẽ trái là hướng qua Campuchia, rẽ phải là hướng sang Lào. Tấm bia bằng đá trắng trang trọng: “Di tích Lịch sử quốc gia - Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn 1970 - 1972”.

Địa chỉ đỏ này còn lưu: “Bờ Y. Nơi đây 1970 - 1972, Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trọng điểm đánh phá ngăn chặn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ ngụy”.

Đặt tay lên tấm bia, ông Nguyễn Hữu Nghị giới thiệu nơi đây rất ác liệt, vì là huyết mạch của quân đội ta. Ác liệt quá nên đơn vị của ông buộc phải vòng qua bên Lào mới tiếp viện được cho chiến trường.

Trong hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, linh hồn của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ và đường Hồ Chí Minh sau này, đã viết: “Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát “thánh địa” này. Và cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”. Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt – Miên – Lào cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh…”.

Cột mốc thiêng liêng và hữu nghị

Leo bộ 120 bậc tam cấp, chúng tôi có mặt tại đỉnh đồi, đai độ cao 1.086 m so với mặt nước biển và vinh dự được đặt tay vào cột mốc Ngã ba Đông Dương, một trong 8 cột mốc tiêu biểu của Việt Nam. Cột mốc là đá hoa cương nguyên khối, trọng lượng trên 1 tấn, hình trụ tam giác, cao 2 m với 3 cạnh hướng về ba nước, bề mặt đắp nổi trang trọng 3 quốc huy, tên của 3 quốc gia bằng chữ màu đỏ và số năm cắm mốc, 2007. Công trình khởi công xây dựng ngày 29/11/2007, hoàn thành ngày 18/1/2008. Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là tỉnh Attapeu và phía Vương quốc Campuchia là tỉnh Ratanakiri. Cột mốc Ngã ba Đông Dương là một trong 2 cột mốc của Việt Nam cùng ghi tên 3 quốc gia (ở tỉnh Điện Biên là Cột mốc số 0 A Pa Chải, ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào, xây dựng năm 2005).

Bia Di tích lịch sử quốc gia Bờ Y.

Cột mốc trang nghiêm giữa khuôn viên rộng 3.600 m2, trước mắt chập chùng núi, ngàn lau trắng vẫy chào. Không gian không chỉ đầy nắng, gió mà rợp màu xanh được đại biểu và lực lượng bảo vệ biên giới 4 tỉnh Attapeu, Sê Kông của Lào; Ratanakiri của Campuchia và Kon Tum của Việt Nam trồng. Trên 700 cây của “Vườn cây hữu nghị” trải xanh đồi phần nào làm dịu cả cơn nắng nỏ hiện tại và cả những vết thương từ chất dioxin thời chiến tranh mà nhân chứng là ông Nguyễn Hữu Nghị còn mang trong mình.

Mỗi con người khi được đứng cạnh cột mốc đều cảm nhận sự thiêng liêng của bờ cõi giang sơn, không chỉ người dân Việt Nam mà cả du khách đến từ các quốc gia khác. Anh Daryl Joan (Canada) không giấu sự hãnh diện khi đã chinh phục cột mốc bằng xe đạp. Nữ doanh nhân Dinara Chiulieva (Cộng hòa Kazakhstan) lập nghiệp tại Nha Trang có mặt cùng bạn tại cột mốc bày tỏ: “Tôi nghe nói, cột mốc này là một trong 8 cột mốc biên giới tiêu biểu của Việt Nam nên quyết tâm đến sau khi lấy hàng ở cửa khẩu. Quả là cảnh đẹp và vô cùng thú vị đối với người thích chinh phục và trải nghiệm”.

Chiều xế nơi cột mốc Ngã ba Đông Dương, ai cũng đều dâng trào nhiều cung bậc cảm xúc tri ân, tự hào, hãnh diện với Tổ quốc mình. Nhìn về hướng Đông Bắc, vùng cực Bắc Tây Nguyên đã thực sự là hình ảnh “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch. Chân trời giao thương, giao lưu văn hóa và du lịch mở rộng với Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Tới đây, tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi sáp nhập, Cửa khẩu Bờ Y càng đặc biệt quan trọng trong giao thương phát triển giữa các nước trong khu vực ASEAN, kết nối vận tải biển quốc tế trong trục địa kinh tế - văn hóa biển với rừng…

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hiện thực hóa giấc mơ thương hiệu gạo Lắk
Là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, huyện Lắk đã xây dựng thành công nhãn hiệu gạo Lắk. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm thương hiệu gạo Lắk.