Hội nghị AMM-54: Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng phó và phục hồi sau đại dịch
Từ ngày 2 đến 6-8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-54) lần thứ 54 và các hội nghị liên quan đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Trao đổi nhiều vấn đề khu vực và quốc tế
Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội trong triển khai ưu tiên của năm ASEAN 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động lớn đến tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực của các nước. Các nước hoan nghênh các sáng kiến như Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD) tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ASEAN.
Các bộ trưởng cam kết cần triển khai các kết quả hợp tác năm 2020, trong đó có kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy hợp tác tiểu vùng. Các nước hoan nghênh Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác tiểu vùng cuối năm nay.
Ứng phó và phục hồi sau đại dịch là nội dung được các bộ trưởng trao đổi nhiều trước thực trạng dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Các bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vắc xin. ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin.
Hoan nghênh đóng góp của các nước ASEAN và đối tác cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN, các nước đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vắc xin, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước đã thảo luận các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN; khẳng định giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và sự tham gia, đóng góp tích cực, xây dựng của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông.
Về vấn đề Biển Đông, Thông cáo chung của AMM-54 đã tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Đồng thời, tiếp tục khẳng định nhu cầu theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Các đại biểu tham dự Hội nghị AMM-54 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Ứng phó với dịch bệnh, thúc đẩy hồi phục kinh tế
Trong khuôn khổ Hội nghị AMM-54 cũng đã diễn ra chuỗi hơn 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Theo đó, trong các hội nghị ASEAN và các đối tác, ứng phó với dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch là những vấn đề được các bộ trưởng đề cập nhiều nhất.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và 3 đối tác đối thoại Đông Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lần thứ 22, các bên đã cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa để chống lại đại dịch COVID-19 và khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. ASEAN và các đối tác đối thoại cũng nhất trí hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc xin phòng COVID-19, đồng thời đảm bảo việc tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin và điều trị y tế.
Hội nghị đã ghi nhận vai trò dẫn dắt của hợp tác ASEAN+3 trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và đánh giá cao sự hỗ trợ của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các nước thành viên ASEAN, cũng như đóng góp của ba nước này cho Sáng kiến chống COVID-19 của ASEAN. Hội nghị mong muốn các nước sớm phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) vì lợi ích kinh tế của các nước tham gia và của cả khu vực.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ, ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí tiếp tục dành ưu tiên ứng phó dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy phục hồi bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư, chuyển đổi số, năng lượng... cũng như thông qua các chương trình hợp tác phát triển của Mỹ hỗ trợ cho khu vực. Các nước ASEAN mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin COVID-19.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó COVID-19, nỗ lực tăng công suất sản xuất, bảo đảm cung ứng vắc xin đầy đủ, an toàn và hiệu quả; đã tài trợ 160 triệu USD và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước khu vực ứng phó đại dịch; đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc