Multimedia Đọc Báo in

Đàm phán ít tiến triển, Nga – Mỹ tiếp tục đặt ra “lằn ranh đỏ”

21:02, 11/01/2022

Cuộc đàm phán an ninh được mong chờ giữa Nga và Mỹ đã kết thúc mà không đạt được nhiều tiến triển. Các bên một lần nữa cho thấy những khác biệt không dễ hóa giải trong một loạt vấn đề an ninh quan trọng, khiến nguy cơ xung đột tiếp tục bao trùm khắp châu Âu.

Các cuộc thảo luận ngày hôm qua là một phần của cuộc đàm phán “Đối thoại An ninh Chiến lược” về kiểm soát vũ khí và những vấn đề rộng lớn khác mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi giữa năm 2021 ở Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đàm phán đã diễn ra trong một bầu không khí mà cả hai bên thừa nhận là khó khăn.

Trong khi Washington cảnh báo về nguy cơ “đối đầu” giữa hai bên thì Moscow cũng tuyên bố sẽ “không nhượng bộ”. Thứ trưởng Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov một lần nữa yêu cầu những đảm bảo an ninh mang tính ràng buộc rằng, Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng sang phía Đông, bao gồm Ukraine và những nước thuộc Liên Xô trước đây. Đối với Nga, đây là một “lằn ranh đỏ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov trong cuộc trao đổi ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov trong cuộc trao đổi ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1. Ảnh: Reuters/VOV

"Chúng tôi đã trình bày một cách logic các đề xuất của mình, cũng như giải thích lý do tại sao cần phải có những đảm bảo pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng hay triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga. Chúng tôi cũng đã nói rõ ràng rằng, nếu không đạt được tiến bộ trong những vấn đề quan trọng này, thì tất cả những vấn đề khác đều sẽ bị đặt dấu hỏi bất chấp tầm quan trọng của nó”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay.

Tuy nhiên, người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã thẳng thừng bác bỏ khi gọi đây là những đòi hỏi không thực tế. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, đây mới chỉ là bước khởi đầu của một quá trình ngoại giao:

“Mỹ không mong chờ bất kỳ đột phá nào trong các cuộc đàm phán. Đây mới là bước khởi đầu của một quá trình ngoại giao. Chúng tôi hoan nghênh thực tế rằng Nga đang tham gia vào các cuộc đối thoại và điều này là rất quan trọng".

Dù đều để ngỏ khả năng sớm gặp lại để thảo luận các vấn đề song phương một cách chi tiết hơn, song cả Nga và Mỹ đều không đưa ra thời gian biểu cụ thể và thậm chí là tìm cách trì hoãn. Trong các phát biểu ngày hôm qua, cả Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đều không cho biết liệu Mỹ có tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga hay không trong trường hợp đàm phán không đạt tiến triển dù Nga đã khẳng định không có ý định tấn công Ukraine và việc tập trung quân tại biên giới thuần túy mang tính phòng ngự.

Ukraine không tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ, cũng như giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, tại cuộc gặp với giới chức quân sự Ukraine ngày hôm qua, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Mark Milley một lần nữa khẳng định Ukraine là một đối tác quan trọng của NATO và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu.

Sau đối thoại Nga - Mỹ tại Geneva, Hội đồng Nga - NATO sẽ đối thoại vào ngày 12/1, trước khi Nga và Mỹ tiếp tục hội đàm bên lề hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13/1 tại Brussels.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.