Multimedia Đọc Báo in

Dự báo thế giới 2022: Thêm 1 năm lao đao vì đại dịch, biến đổi khí hậu và căng thẳng chính trị

18:52, 02/01/2022

Biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa các quốc gia sẽ khiến năm 2022 có thể sẽ hỗn loạn không khác gì 12 tháng vừa qua.

Theo tờ The Guardian, trước thềm năm mới, thế giới phải đối mặt với hàng loạt thách thức khó khăn: đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, căng thẳng giữa các nước. Nói chung, đối với hầu hết mọi người, năm 2022 sẽ là một năm nữa sống trong nguy hiểm.

Trung Đông

Các sự kiện ở Trung Đông sẽ lại trở chủ đề nóng toàn cầu vào năm 2022 – cả vì lý do tích cực cũng như tiêu cực. 

Một lý do lạc quan là World Cup sẽ khởi tranh tại Qatar vào tháng 11/2022. Đây là lần đầu tiên một quốc gia Hồi giáo đăng cai tổ chức giải đấu. World Cup năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội quan trọng cho khu vực Vùng Vịnh về mặt kinh doanh và du lịch trong tương lai.

Sân vận động quốc gia Lusail ở Qatar gần hoàn thành trước World Cup 2022. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Sân vận động quốc gia Lusail ở Qatar gần hoàn thành trước World Cup 2022. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngoài Qatar, các chủ đề quen thuộc hơn sẽ chiếm lĩnh các chương trình nghị sự của khu vực. Trước hết là câu hỏi liệu Israel hay Mỹ có thực hiện các biện pháp quân sự hoặc kinh tế mới để kiềm chế các nỗ lực hạt nhân của Iran. Israel đã cảnh báo không kích nếu các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thành công. 

Các điểm nóng khác có thể là Liban, Libya, Palestine. 

Châu Á - Thái Bình Dương

Thế giới sẽ đổ dồn ánh mắt vào Trung Quốc vào đầu và cuối năm 2022. Thế vận hội mùa đông sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Nhưng câu hỏi quan trọng là nước nào đứng đầu bảng tổng sắp huy chương có thể bị lu mờ khi Mỹ, Anh và các quốc gia khác tẩy chay ngoại giao sự kiện.

Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm 2022 sẽ là một sự kiện thu hút sự chú ý khác. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ có thêm một nhiệm kỳ 5 năm thứ ba.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP/TTXVN

Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực của Trung Quốc, có thể tiếp tục mạnh hơn trên đấu trường thế giới. Tổng dân số Ấn Độ có thể sớm bằng hoặc vượt 1,41 tỷ người của Trung Quốc.

Vấn đề nguy hiểm hơn là các tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya chưa được giải quyết giữa hai nước láng giềng lớn này, dẫn đến bạo lực trong giai đoạn 2020 - 2021 và khiến quan hệ song phương xấu đi.

Ở những nơi khác ở châu Á, hoàn cảnh tuyệt vọng của người dân Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền trở lại có thể sẽ khiến phương Tây đau đầu, nhưng có thể không khiến các nước thực hiện những hành động cụ thể để can dự. 

Tại Triều Tiên, vấn đề hạt nhân vẫn sẽ còn đó. Tại Philippines, cử tri sẽ bầu tổng thống mới. 

Châu Âu

Đây sẽ là một năm quan trọng đối với châu Âu khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia phải đối mặt với những chia rẽ căng thẳng trong và ngoài nước, tác động xã hội và kinh tế của đại dịch chưa có hồi kết, vấn đề di cư và những thách thức mới nghiêm trọng hơn, tình hình hậu COP26…

Về cơ bản hơn, châu Âu phải quyết định xem muốn đóng vai trò chủ động toàn cầu, hay sẽ phải nhượng bộ trước ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, Nga. Vấn đề này sẽ rõ hơn sau cuộc bầu cử ở Pháp và Hungary. 

Chính phủ liên minh mới ở Đức sẽ bị soi xét chặt chẽ khi cố gắng làm những điều khác biệt sau những năm dài cầm quyền của bà Angela Merkel. 

Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên họp quốc hội ở Berlin, Đức, ngày 15/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên họp quốc hội ở Berlin, Đức, ngày 15/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các vấn đề khác bao gồm khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan-Belarus, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU, tình hình Anh hậu Brexit...

Mỹ Latinh

Nổi bật là cuộc bầu cử ở Brazil diễn ra vào tháng 10/2022. Ở Brazil, Tổng thống Bolsonaro đã bị chỉ trích vì cách xử lý đại dịch COVID-19. Trên 619.000 người Brazil đã chết vì đại dịch. Ngoài ra, ông Bolsonaro cũng bị chỉ trích vì phủ nhận tình trạng biến đổi khí hậu và để cho rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá nặng nề.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Argentina Alberto Fernández sẽ phải đối mặt với một loại vấn đề khác trong một năm có vẻ khó khăn sắp tới. Trong cuộc bầu cử, lần đầu tiên đảng của ông để mất thế đa số trong Quốc hội sau gần 40 năm. 

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador sẽ đối mặt với những căng thẳng đang diễn ra với Mỹ về thương mại, ma túy và di cư từ Trung Mỹ. 

Bắc Mỹ

Tâm điểm năm 2022 tại Mỹ sẽ là chiến dịch bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 khi đảng Dân chủ sẽ cố gắng cản đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. 

Kết quả chắc chắn sẽ được xem như một cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ của Tổng thống của Joe Biden. Nếu đảng Cộng hòa thể hiện tốt ở các bang chiến trường, ông Donald Trump gần như chắc chắn sẽ quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2024.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự một cuộc họp với các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 27/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vấn đề lớn nhất của đảng Dân chủ trong năm 2022 có thể là sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Một trọng tâm sẽ tập trung vào bản thân Tổng thống Biden: liệu ông có tái tranh cử vào năm 2024 hay không khi ông sẽ 80 tuổi vào tháng 11. Tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp có thể khó thay đổi tình hình.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ thúc đẩy các sáng kiến chính sách mới về chăm sóc trẻ em và nhà ở giá cả phải chăng sau khi tái đắc cử vào tháng 9. Nhưng trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào năm 2021, đảng Tự do của ông chỉ giành được tỷ lệ phiếu phổ thông thấp nhất so với mọi đảng chiến thắng trong lịch sử, cho thấy sức mạnh của ông Trudeau đang mỏng dần. 

Châu Phi

Trong số những vấn để nổi bật nhất năm 2022 là câu hỏi việc liệu người châu Phi có phải trả giá đắt khi thế giới độc quyền vắc xin COVID-19, không chia sẻ vắc xin và bằng sáng chế vắc xin.

Ngoài COVID-19, châu Phi còn đối mặt với nhiều vấn đề y tế khác trong năm 2022. Ước tính có 25 triệu người ở châu Phi sẽ sống chung với HIV-AIDS vào năm 2022. Bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người mỗi năm. Việc điều trị các bệnh này và những bệnh khác như lao và tiểu đường, có thể bị trì trệ hơn nữa do nền y tế tập trung vào COVID-19.

Một phụ nữ tiêm vaccine ở Zimbabwe. Ảnh: Getty Images
Một phụ nữ tiêm vaccine ở Zimbabwe. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Thay Trung Đông, châu Phi đã trở thành vùng đất mới cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2022. Đặc biệt, các quốc gia ở vùng Sahel đã chứng kiến các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, tuyên bố trung thành với các mạng lưới toàn cầu như al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đó, Liên hợp quốc đang cảnh báo một đợt hạn hán ngày càng nghiêm trọng sẽ khiến 7,7 triệu người Somalia đứng trước nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng vào tháng 4/2022. 

Những trường hợp khẩn cấp này tạo bối cảnh cho một thách thức lớn khác của năm 2022: di cư quốc tế. 

Nam Cực, Bắc Cực…

Năm 2022 sẽ không có gì thay đổi theo hướng tích cực với vấn đề khí hậu. 

Các sự kiện thời tiết cực đoan trên toàn thế giới vào năm 2021 - hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt, bão và nhiệt độ cao kỷ lục - gần như chắc chắn sẽ lặp lại. 

Những tác động này sẽ đặc biệt dễ thấy ở các môi trường nhạy cảm trên thế giới, nhất là Nam Cực và Bắc Cực.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc