Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

13:19, 28/02/2022

Sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt, nền kinh tế toàn cầu lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó lường khi giá dầu tăng ngày một cao, đẩy lạm phát phi mã, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Nhu cầu sụt giảm vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch bùng phát đã đẩy giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử. Sau thời điểm đó, giá loại hàng hóa này đã tăng trở lại và đang tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau các đợt phong tỏa phòng dịch.

Khi các nền kinh tế dần trở lại bình thường sau đại dịch, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi. Nhưng vấn đề là nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ khi nhu cầu gia tăng. Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhưng khả năng dự phòng của khối này khá hạn chế và có lẽ các nhà sản xuất cũng thận trọng để không tăng nguồn cung quá mức trên thị trường một lần nữa.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất dầu có chu kỳ đầu tư rất dài. Có thể mất đến một thập kỷ trước khi một nhà sản xuất thu được những giọt dầu đầu tiên kể từ thời điểm xác nhận rót vốn. Một số nguồn cũng phi truyền thống có thể tăng sản xuất nhanh hơn nhiều, nhưng những nguồn này bị hạn chế về quy mô. Hơn nữa, tất cả các nhà sản xuất đều thận trọng trong việc phân bổ vốn. Đầu tiên, họ đã rút ra bài học từ một thị trường cung vượt cầu khi giá dầu rơi xuống - 40 USD/thùng.

Thứ hai, đang xuất hiện nhiều sức ép mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp này về việc không được phát triển các khu vực khai thác mới, tạm ngưng hoặc giảm đầu tư cho hoạt động duy trì và tăng cường sản xuất, đồng thời chuyển hướng dòng vốn sang đầu tư xanh.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung năng lượng. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn của thế giới, chiếm khoảng 12% nguồn cung của toàn cầu. Các chuyên gia cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn cho người tiêu dùng.

Mới đây nhất, diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao chưa từng có. Cụ thể, sáng 24/2 giá dầu Brent đã lên tới 100,04 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng trong hơn 7 năm qua.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là động lực chính thúc đẩy lạm phát - vốn thực sự chịu tác động từ các chính sách tiền tệ nới lỏng - nhưng dầu là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới bởi lẽ nó là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất ...

Vì vậy tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng khi mua xăng mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang. Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế.

Một trạm xăng tại Queens, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Lạm phát tại Anh ở mức 5,5% trong tháng 1/2022, mức cao nhất kể từ năm 1992. Tổ chức cung cấp các dịch vụ lái xe (RAC) cảnh báo giá xăng tại Anh trên đà tiến tới mức kỷ lục 150 xu Anh (2,04 USD)/lít trong tuần này, sau khi căng thẳng tại Ukraine leo thang gây thêm sức ép cho cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí mà các gia đình ở nước này đang đối mặt.

The Trussell Trust, tổ chức hỗ trợ mạng lưới ngân hàng thực phẩm, cho biết các phần thực phẩm được phát trong các tháng 4 - 9/2021 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và lên một trong những mức cao nhất vào tháng 12/2021.

 

Giá năng lượng cao kéo dài liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu và tiếp tục đẩy lạm phát lên cao vào năm 2022. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng với chi phí sản xuất cao và có khả năng sẽ làm tăng giá các mặt hàng khác, bao gồm cả thực phẩm.

Một số nhà phân tích dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh 7% vào tháng 4. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho rằng lạm phát sẽ bắt đầu hạ sau đó, nhưng sẽ vẫn trên 5% trong năm nay.

Ngay cả ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi "bong bóng" bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, Ngân hàng trung ương đánh giá đợt lạm phát năm vừa qua vẫn là đợt tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay chỉ có Trung Quốc là có con số lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét sự đan xen phức tạp giữa các yếu tố lạm phát toàn cầu và trong nước khi cơ quan này đang phải cân nhắc đối phó với tỷ lệ lạm phát 7%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Lạm phát đang "xóa sổ" việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ, cùng lúc với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ và làm tăng chi phí các loại hàng hóa bao gồm cả lương thực và năng lượng.

Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình hình một số nước châu Phi phía Nam Sahara lại khác: Chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn. Với việc thực phẩm chiếm 40% chi cho tiêu dùng, lạm phát trong khu vực này vào năm ngoái đã nhảy vọt từ 6% lên 9%.

Về tình hình châu Âu, bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết động lực lớn nhất của lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là giá năng lượng. Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu hiện cao hơn khoảng 400% so với cùng kỳ một năm trước, trong khi giá điện bán buôn cũng tăng 260%. Điều này đã thúc đẩy giá bán lẻ khí đốt và giá điện lần lượt tăng 51% và 30%.

H.T (Theo Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.