Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng trên thế giới

17:20, 04/04/2022

Chuyên gia cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực “nghiêm trọng chưa từng có” đang đến gần, khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, khiến vụ Xuân ở Ukraine có thể bị gián đoạn và Nga hạn chế xuất khẩu.

Hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được xuất khẩu lúa mỳ của Nga và Ukraine, vốn chiếm 1/3 nguồn cung trên toàn cầu.

Điều này khiến việc tìm kiếm nguồn cung lương thực có nguy cơ trở thành vấn đề chính trên thế giới trong một năm tới.

Hai năm trước, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley đã cảnh báo khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới đang đứng trên bờ vực của nạn đói do đại dịch COVID-19.

Giờ đây, Liên hiệp quốc cảnh báo do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, một số quốc gia đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng như Haiti, Yemen.

Ông David Beasley Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho rằng thế giới sẽ nhận thấy rõ quy mô thực sự của vấn đề này vào mùa Thu.

Nga và Ukraine là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương.

Cánh đồng lúa mì ở Mala Dyvitsya, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cánh đồng lúa mì ở Mala Dyvitsya, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây cũng gặp khó khăn.

Khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, khiến Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng, thay vì 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng như trước đây.

Từ ngày 15/2 đến ngày 30/6, Nga dự định bán ra nước ngoài tới 11 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 8 triệu tấn lúa mỳ.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây hầu như không ảnh hưởng đến mặt hàng này, song gần 90% lượng ngũ cốc được vận chuyển ra thị trường nước ngoài qua cảng Novorossiysk và phần lớn các tuyến hàng hải ở Biển Đen bị đóng cửa.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine sẽ giảm 7 triệu tấn, tức là giảm 12% so với mùa trước.

Lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá ngũ cốc vào giữa tháng 3 lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Trước khi xung đột xảy ra, Ukraine nhận 75% dầu diesel từ Nga, phần còn lại được cung cấp bằng đường biển, song các tuyến đường hàng hải đã bị đóng cửa.

Việc thiếu hụt dầu diesel cần thiết cho máy móc nông nghiệp khiến nước này khó bắt đầu vụ gieo trồng mùa Xuân.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi ngày 4/4 đã xác nhận tình trạng này, đồng thời cảnh báo rằng xung đột tiếp diễn có nguy cơ dẫn tới giá cả leo thang trên toàn thế giới. 

Hạn hán ở Canada và Mỹ đã đẩy giá lượng thực lên cao trong năm ngoái. Tình hình địa chính trị căng thẳng đã làm tăng nhu cầu về ngũ cốc.

Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Nga sẽ không thể chuyển giao các lô hàng ngũ cốc cho khách hàng, dẫn đến tăng giá lương thực.

Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) chỉ ra rằng việc bù đắp hoàn toàn cho sự vắng mặt của Ukraine trên thị trường ngũ cốc bằng nguồn cung từ các nước khác là một nhiệm vụ không khả thi.

Trong mọi trường hợp, chi phí sản xuất sẽ tăng, và điều này sẽ gây ra một đợt tăng giá mới. 

Theo chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov, phương Tây không nên áp đặt trừng phạt Nga, bởi châu Phi và Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với nạn đói và bất ổn do giá lương thực tăng mạnh.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.