Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng Nga - Ukraine có thể tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu

08:47, 20/03/2022

Căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tiến trình đàm phán Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra, nhưng các bên đều đang chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Nga thắt chặt vòng vây các thành phố lớn, tìm cách sơ tán dân thường vô tội.

Trong khi, Ukraine vẫn kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí và gia tăng trừng phạt lên Nga. Cuộc xung đột đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát, làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine.

Làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 15/3 cho rằng căng thẳng Nga - Ukraine sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu bằng cách làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát tăng cao, cũng như có thể tái định hình về cơ bản trật tự kinh tế toàn cầu trong dài hạn.

Trên trang mạng chính thức của mình, IMF nêu rõ: “Cuộc xung đột Nga - Ukraine là một đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn sẽ gây tổn hại đối với tăng trưởng và làm giá cả gia tăng".

Theo IMF, ngoài việc tạo ra những dòng người tị nạn lịch sử, cuộc chiến đang đẩy giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, thúc đẩy lạm phát và làm xói mòn giá trị thu nhập, đồng thời làm gián đoạn thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối ở các nước láng giềng của Ukraine. IMF cũng lưu ý rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine làm suy giảm niềm tin kinh doanh và tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư. Điều này sẽ làm giảm giá tài sản, thắt chặt các điều kiện tài chính và có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi.

Binh sĩ Ukraine tuần tra trên đường phố tại Kiev ngày 28/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Các quan chức IMF cho biết họ dự kiến sẽ giảm dự báo trước đó của tổ chức này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022. IMF cho rằng các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ trực tiếp về thương mại, du lịch và tài chính sẽ cảm thấy áp lực ngày càng lớn.

IMF cũng dự báo những sự suy thoái sâu sắc tại Ukraine và Nga, và cho rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn về việc nhập khẩu khí tự nhiên cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng lớn hơn. Trong khi đó, khu vực Đông Âu sẽ phải đối mặt với những tổn thất tài chính cao hơn. Các nước tại khu vực Trung Á và Caucasus, vốn có hệ thống thanh toán và thương mại liên kết chặt chẽ với Nga, sẽ bị tác động mạnh mẽ hơn bởi tình trạng suy thoái của Nga và những lệnh trừng phạt đối với Moskva, với những hạn chế về kiều hối, thương mại, đầu tư và du lịch.

Đe dọa an ninh lương thực

Sau hai năm rơi vào tình trạng căng thẳng do đại dịch COVID-19, an ninh lương thực toàn cầu lại đang phải đối mặt với thách thức mới do tình hình căng thẳng Nga - Ukraine gây ra. Giá một loạt mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, nhiên liệu hay phân bón đồng loạt leo thang và liên tiếp phá vỡ các mức cao kỷ lục.

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng chủ yếu đến từ hai quốc gia này.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc lớn (từ 30% trở lên) vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì.

Cuộc xung đột về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu trúc, mạng lưới thanh toán chia rẽ.

Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nguồn cung phân bón của họ, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm 2023.

Ngày 14/3, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres phát biểu rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu". Ông Guterres nhấn mạnh cuộc xung đột này đã vượt ra ngoài Ukraine, bởi nó còn “tấn công” vào những công dân và quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Các bộ trưởng nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cuối tuần trước cho biết họ sẽ "quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực". Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn “co cụm” cho thị trường nội địa do lo ngại tình trạng thiếu lương thực.

Một cánh đồng lúa mì tại Karpenkovo, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây nhất, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu nành trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về dự trữ lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Indonesia cũng đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với dầu cọ, một thành phần trong dầu ăn cũng như trong mỹ phẩm và một số mặt hàng đóng gói như chocolate.

Các bộ trưởng G7 kêu gọi các nước giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của họ “mở” và phản đối bất kỳ biện pháp hạn chế phi lý nào đối với việc xuất khẩu nông sản.

Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá được đầy đủ tác động của tình hình căng thẳng Nga - Ukraine đối với các nguồn cung cấp ngũ cốc và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Tuy nhiên, điều rõ ràng là nền kinh tế lương thực thế giới đang đứng trước "bờ vực" của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, có thể gây xáo trộn như cuộc khủng hoảng vào năm 2007 -2008.

Hồng Hà

(Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.