Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề an ninh lương thực

15:32, 20/05/2022

Ngày 19/5, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức hội nghị về tình hình an ninh lương thực toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này.

Tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Qu Dongyu (Khuất Đông Ngọc) đã nêu bật những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lượng trên toàn cầu.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh chiến tranh thường kéo theo đói kém. Những vùng chịu tác động của xung đột hiện tập trung 60% số người suy dinh dưỡng toàn cầu. Năm 2021, trong nhóm 10 nước tập trung phần lớn trong tổng số 140 triệu người dân chịu cảnh đói kém trên toàn thế thì có 8 nước xảy ra xung đột cần sự giám sát của HĐBA.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thư ký LHQ bày tỏ quan ngại về tình hình mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi, nơi đang trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua, ảnh hưởng tới hơn 18 triệu người trong khi xung đột và bất ổn tiếp diễn tại Ethiopia và Somalia khiến cuộc sống của người dân thêm khốn khó. Bên cạnh đó, cuộc xung đột ở Ukraine khiến tình hình thêm ảm đạm. 

Ông Guterres đề xuất 4 bước mà các nước có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và đói kém, bắt đầu với việc đầu tư cho các giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột, ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới và xây dựng nền hòa bình bền vững. Theo đó, quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, kêu gọi HĐBA nỗ lực hết sức trong quyền hạn để thúc đẩy đạt ngừng bắn cũng như hòa bình ở Ukraine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Thứ hai, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tiếp cận nhân đạo và hàng hóa thiết yếu cho người dân, theo đó phải chú trọng tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và truy cứu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm luật.

Thứ ba, cần có sự phối hợp để giảm thiểu những nguy cơ dẫn tới mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính. TTK LHQ cho rằng mọi giải pháp có ý nghĩa nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đều phải bao gồm kết nối sản xuất nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine và sản xuất phân bón của Nga và Belarus với thị trường toàn cầu kể cả khi xung đột xảy ra, vì các nước này đều là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực nêu trên.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Cuối cùng, ông Guterres kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ đầy đủ cho các hoạt động nhân đạo với những cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức.

Cũng phát biểu tại hội nghị, Giám đốc WFP David Beasley cho rằng thế giới đang chứng kiến "một cơn bão hoàn chỉnh" gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, làm gia tăng đói nghèo. Ông dẫn chứng những yếu tố nguy cơ trên toàn thế giới như bất ổn ở Mali, CH Chad, Malawi và Burkina Faso, biểu tình bạo loạn ở Sri Lanka, xung đột ở Ethiopia và Afghanistan, nạn đói và hạn hán ở châu Phi, cháy rừng ở nhiều nơi trên thế giới.

Nếu "cơn bão hoàn chỉnh" này dẫn tới giá lương thực tăng cao trong năm 2022 thì việc đảm bảo nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong năm 2023. Giám đốc WFP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng sản lượng, mở lại các cảng biển ở Ukraine và giải phóng các kho trữ hàng tại nước này để ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Về phần mình, Tổng giám đốc Chương trình Lương Nông LHQ Qu Dongyu nhận định an ninh lương thực, y tế và thu nhập toàn cầu đang giảm trong khi bất bình đẳng tăng. Ông cũng cho rằng xung đột hiện là yếu tố lớn nhất dẫn tới tình trạng gia tăng đói nghèo trên toàn cầu.

Ông nhấn mạnh cần bảo vệ mọi người dân, hệ thống lương thực nông nghiệp và các nền kinh tế trước những cú sốc trong tương lai, tăng cường hoạt động sản xuất bền vững, đồng thời cho rằng đầu tư cho các hệ thống lương thực nông nghiệp đang là ưu tiên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.