Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực súng đạn ở Mỹ: "Căn bệnh" vẫn chưa có "thuốc chữa"!

16:03, 11/06/2022

Giới chức Mỹ ngày 7/6 đã đưa ra cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm nhiều vụ xả súng trong thời gian tới tương tự như vụ việc mới đây ở bang Texas khiến 18 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng.

Trước đó, vào ngày 5/6, một vụ xả súng ở thành phố Chattanooga, thuộc bang Tennessee khiến 3 người đã thiệt mạng và hơn 10 người bị thương. Vụ việc này xảy ra chỉ 2 giờ sau một vụ xả súng khác ở Philadelphia, thành phố lớn nhất bang Pennsylvania, miền Đông nước Mỹ, khiến 3 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương.

Theo một bài viết lấy số liệu từ Kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ, được tạp chí The New Republic đăng tải mới đây, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại Mỹ xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này.

Súng trường bán tự động được bày bán tại một cửa hàng ở Las Vegas, Nevada, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước. Tổng số nạn nhân do bạo lực súng đạn ở Mỹ năm ngoái lên tới 44.750 người. Hơn 2/3 thành phố đông dân nhất tại Mỹ đã phải chứng kiến nhiều vụ giết người hơn trong năm ngoái so với năm 2020, đáng kể như thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, có số vụ giết người cao nhất kể từ năm 1960; thành phố Chicago, bang Illinois, cũng ghi nhận năm 2021 là năm bạo lực nhất trong vòng 1/4 thế kỷ; thành phố Los Angeles, bang California, ở tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua.

Các thị trưởng nhiều thành phố lớn của Mỹ đang lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ trước tình trạng gia tăng các vụ bạo lực súng đạn. New York cùng với nhiều bang khác như Florida, Hawaii, Illinois, Vermont và Washington đang siết chặt quy định mua và sở hữu súng đạn. Trong đó, Thống đốc bang New York Kathy Hochul vào ngày 6/6 (theo giờ Mỹ) đã ký thành luật một gói gồm 10 dự luật kiểm soát súng. Luật mới nâng độ tuổi được phép mua hoặc sở hữu súng trường bán tự động từ 18 lên 21 tuổi; yêu cầu người từ 21 tuổi trở lên mới được sở hữu súng ngắn. Các công ty mạng xã hội hoạt động tại New York cũng được yêu cầu thông qua chính sách minh bạch về cách xử lý các phát ngôn thù hận trên nền tảng của họ. 

Có thể nói bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây từ lâu luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ đi đến đích của một thỏa hiệp lưỡng đảng, khi không có những điều luật đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này. Lần này cũng thế, khi các cuộc bầu cử sơ bộ giữa nhiệm kỳ đang bắt đầu diễn ra tại một số bang, vụ xả súng tại thị trấn Uvalde nhanh chóng kéo theo những phản ứng của các bên liên quan với những quan điểm trái chiều về quản lý súng đạn tại Mỹ.

Các phụ huynh lo lắng, tụ tập khi nghe tin vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb ở Texas vào ngày 24/5. Ảnh: Reuters

Bà Cassandra Crifasi, Phó Giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg nhận định, có sự phân biệt giữa vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề khác, khi càng ngày nhiều người thất vọng, tức giận và căm thù đã sử dụng súng để sát hại một nhóm cụ thể. Ngoài ra, nguyên nhân gia tăng các vụ xả súng gần đây còn liên quan đến những yếu tố như việc yêu cầu giấy phép mua súng và luật về quyền được mang theo vũ khí ở một số bang cho phép mọi người có quyền mang súng ngắn cất bên ngoài nhà mà không cần giấy phép hoặc có giấy phép do bang cấp.

 

Trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại Mỹ xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này.

Một nguyên nhân quan trọng không kém là vấn đề phòng ngừa tại nhà theo luật "Cờ đỏ" (còn được gọi là lệnh bảo vệ rủi ro cao, cho phép một thành viên gia đình hoặc nhân viên thực thi pháp luật phát hiện các dấu hiệu cảnh báo để xin lệnh tòa tạm thời tịch thu súng của một người) đã được ban hành ở 19 bang và thủ đô Washington D.C, chưa tạo ra được sự khác biệt đáng kể. Thảm kịch mới nhất tại Uvalde cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền sở hữu và tiếp cận súng có trách nhiệm, trong đó gia đình thường là những người đầu tiên nhận thấy các vấn đề.

Khi tranh cử vào Nhà Trắng, ông Joe Biden cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và giảm hàng chục nghìn ca tử vong vì súng hằng năm tại Mỹ. Khi nhậm chức, ông đã quan tâm thúc đẩy thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát súng đạn. Mới nhất, ngày 11/4 ông Biden đã ra sắc lệnh hành pháp bổ sung nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng tội phạm súng đạn và làm cho cộng đồng an toàn hơn nhằm hướng tới các mục tiêu và thực hiện cam kết tranh cử.

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) công bố một loạt các hành động mới quan trọng nhằm ngăn chặn "luồng súng" được sử dụng để gây bạo lực và hỗ trợ thực thi pháp luật trong nỗ lực chống tội phạm súng đạn, trong đó có việc tập trung tấn công “Đường ống sắt” (Iron Pipeline) - "luồng súng" bất hợp pháp được mua bán ở miền Nam, vận chuyển tới các bang ở bờ Đông và được tìm thấy tại hiện trường tội phạm ở các thành phố từ Baltimore đến New York. DOJ cũng khởi động "Sáng kiến quốc gia ngăn chặn súng ma", truy nã và xét xử những kẻ bán súng bất hợp pháp.

Tổng thống Biden thúc đẩy các biện pháp can thiệp bạo lực cộng đồng dựa trên bằng chứng, trong đó thông qua đạo luật "Xây dựng lại tốt hơn" (Build back better) đề xuất tài trợ 5 tỷ USD cho DOJ và CDC Mỹ để đầu tư vào các biện pháp can thiệp bạo lực cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ đã không giành được đủ phiếu tại quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng cũng như các đề xuất khác liên quan.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.