Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thượng đỉnh NATO: Những chủ đề “nóng”

06:28, 03/07/2022

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra từ ngày 28 đến 30/6, tại Madrid (Tây Ban Nha).

Với sự tham gia của không chỉ 30 lãnh đạo các nước thành viên NATO mà còn có đại diện của các nước hiện không phải thành viên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand cùng Phần Lan và Thụy Điển, Hội nghị được coi là cột mốc quan trọng, đánh dấu "sự chuyển biến" của định chế quân sự này ở cấu trúc, tầm nhìn chiến lược và các vấn đề quan tâm sẽ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương.

Vấn đề Ukraine

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ tư và các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ưu tiên hàng đầu của khối là thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev. Phát biểu tại hội nghị ngày 29-6, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg khẳng định các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ dài hạn cho Ukraine. "Ukraine có thể trông cậy vào chúng tôi bao lâu cũng được", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí với gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, bao gồm thông tin liên lạc an toàn, nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị chống mìn và hàng trăm hệ thống chống máy bay không người lái. Theo Hãng tin AFP, NATO đã chuyển hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine và sắp tới sẽ huấn luyện lực lượng nước này sử dụng các loại vũ khí hiện đại hơn của phương Tây.

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập

Một vấn đề quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay là xem xét việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Vào tháng 5, cả hai nước đã từ bỏ quy chế trung lập về quân sự hàng thập kỷ và tuyên bố rằng việc tham gia liên minh sẽ là một bước đi đúng hướng trong bối cảnh thực tế địa chính trị mới sau khi Nga tấn công Ukraine.

Tại hội nghị lần này, toàn bộ thành viên NATO đã đồng ý mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. "Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO", trích tuyên bố chung của hội nghị, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quay sang ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh.

Việc phê chuẩn có thể mất tới một năm, nhưng một khi được thông qua, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tức là khi một nước thành viên của NATO bị xâm lược thì toàn khối coi như cũng bị xâm lược, đổi lại hai nước cũng phải sẵn sàng tham chiến bên cạnh NATO nếu một thành viên của khối bị tấn công.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển", ông Stoltenberg nói. NATO dự kiến sẽ tăng cường hiện diện quân đội ở khu vực Bắc Âu, tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân ở biển Baltic để trấn an Thụy Điển và Phần Lan.

Ngoài việc tái khẳng định sự ủng hộ của NATO với Ukraine cũng như tăng cường hỗ trợ quân sự cho các nước Đông Âu, hội nghị cũng bàn về việc đảm nhiệm vai trò lớn hơn của các quốc gia châu Âu trong các vấn đề liên quan đến an ninh châu lục.

Quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cần được Quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua và Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn bình thường.

Khái niệm chiến lược mới

Hội nghị cũng đã ra tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo của khối đã thống nhất về khái niệm chiến lược mới. Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và vạch ra đường hướng giải quyết những thách thức đó.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu tại tổng hành dinh NATO trước hội nghị, Tổng Thư ký Stoltenberg nói: "Tôi kỳ vọng (Hội nghị thượng đỉnh) sẽ làm rõ rằng các đồng minh coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của chúng tôi. Nhưng sâu rộng hơn là một khái niệm chiến lược mới cho liên minh sẽ dẫn dắt các quốc gia trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược".

Khái niệm chiến lược mới cũng đòi hỏi các nước thành viên NATO phải tăng ngân sách quốc phòng. Ông Stoltenberg cho rằng mục tiêu chi phí quốc phòng chiếm 2% GDP của các nước thành viên NATO ngày càng được coi là mức sàn chứ không phải là mức trần trước những thách thức mới.

Dù cho tham vọng mở rộng của NATO tới đâu nhưng rõ ràng lợi ích an ninh của NATO ngày càng gắn chặt với những biến chuyển an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự gắn kết giữa Trung Quốc và Nga đã khiến NATO thấy rằng mối quan tâm của họ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương nữa.

Khái niệm chiến lược mới của NATO không đồng nghĩa với chiến tranh lạnh mới nhưng báo hiệu các quốc gia đồng chí hướng này sẽ gắn kết với nhau hơn trong thời gian tới.

Lan Anh (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.