Multimedia Đọc Báo in

Nhà ngoại giao EU bình luận về việc từ bỏ khí đốt Nga

17:31, 29/07/2022

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ từ bỏ khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp trong những năm tới.

Theo đài RT (Nga), phát biểu trên kênh truyền hình Espanola, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cho biết các thành viên trong khối đã đi đến kết luận rằng họ đang quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

“Đầu tiên sẽ là than đá, sau đó là dầu, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga. Chúng ta cần phải thích nghi, chúng ta không thể cắt giảm lượng khí đốt từ 40% xuống 0% trong một sớm một chiều. Và Nga cũng biết rằng chúng ta sẽ ngừng mua khí đốt của họ”, ông Borrell nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU nói thêm rằng Nga muốn bán khí đốt, nhưng không cần thiết phải bán cho châu Âu. Đồng thời, ông kêu gọi các nước thành viên EU tự nguyện cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng để giới chức không phải thực hiện các hạn chế bắt buộc.

Ông Borrell cũng cho biết EU đã nỗ lực cắt giảm khí đốt của Nga. Ông lưu ý: “Chúng tôi đã bắt đầu tiết kiệm khí đốt. Giảm nhiệt độ sưởi trung bình ở châu Âu xuống 1 độ tương đương với việc tiết kiệm 6% lượng khí đốt”.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Borrell, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, nhưng con số đó hiện đã giảm xuống còn khoảng 20%. Ông nói rằng EU đã thông qua gần như tất cả các lệnh trừng phạt có thể áp đặt đối với Nga. Song việc áp đặt lệnh trừng phạt khí đốt thì ngược lại. Vấn đề không phải là EU không muốn mua khí đốt, mà có thể là vì Nga từ chối bán khí đốt cho EU.

Đầu tuần này, các quốc gia châu Âu đã đồng ý cắt giảm tiêu thụ khí đốt để chuẩn bị cho kịch bản Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt. Theo đó, các quốc gia thành viên đã tự nguyện cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến cuối tháng 3/2023. Khi áp đặt kế hoạch gây tranh cãi này, các thành viên EU hy vọng biện pháp này sẽ giảm bớt tác động nếu Moskva quyết định ngắt nguồn cung.

Mặc dù một số thành viên trong khối đã phản đối kế hoạch này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU “phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Trong khi đó, đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ những tin đồn về việc Moskva có ý định cắt nguồn cung khí đốt cho EU. Ông nói: “Gazprom sẵn sàng bơm đủ nhu cầu cần thiết, nhưng chính EU đã tự mình đóng cửa mọi thứ”.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.