Châu Âu tìm kiếm giải pháp khẩn cấp cho bài toán năng lượng
Châu Âu đang khẩn trương tìm kiếm các biện pháp khẩn cấp ứng phó nguy cơ thiếu khí đốt khi mùa đông đang đến gần, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ nhà cung cấp lớn nhất của khu vực này là Nga bị hạn chế.
Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha nhận định các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt vào đầu tháng 2/2023. Theo báo trên, 160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hằng năm ở các nước thành viên khối này.
Ngày 9/9, bộ trưởng năng lượng 27 quốc gia thành viên EU đã họp bất thường ở Brussels (Bỉ) và nhất trí về những giải pháp cấp bách để bảo vệ người dân trước giá năng lượng quá cao và ngăn chặn các công ty năng lượng phá sản trong bối cảnh Nga dần cắt nguồn cung khí đốt.
Theo thông báo, giải pháp đầu tiên là việc 27 quốc gia EU nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay quốc gia khác. Giải pháp thứ hai là giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Giải pháp thứ ba là sự can thiệp “tạm thời và khẩn cấp” vào thị trường khí đốt, với “mức giá trần” do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất. Cuối cùng là đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện khắp EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên thị trường năng lượng.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo ngừng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 khiến nguồn cung khí đốt từ Nga sang một số nước châu Âu bị gián đoạn. |
Tờ Bloomberg dẫn lời ông Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao của Tổ chức Tư vấn độc lập Bruegel ở Brussels, cho biết, các bộ trưởng năng lượng EU đã đồng ý rằng khối này cần một kế hoạch toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của mình, dù kế hoạch đó được thiết kế như thế nào vẫn còn phải xem xét. Từ các biện pháp giảm giá đến giới hạn giá khí đốt, từ việc giảm nhu cầu điện đến thanh khoản khẩn cấp…, tất cả các lựa chọn vẫn còn ở trên bàn thảo luận. Vì tất cả các biện pháp này cực kỳ phức tạp để được thiết kế, nên các quốc gia thành viên cần một cam kết chính trị lớn để nhanh chóng áp dụng chúng trong những tuần tới.
Tuy nhiên, thực tế là các nước vẫn chia rẽ về kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga (dẫu là áp dụng chung với tất cả các quốc gia khác) trước khi đưa ra các đề nghị chính thức.
Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moskva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống TurkStream. Hungary cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và điều này đi ngược lại với lợi ích của Hungary.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho rằng hiện có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu, vì vậy giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga. Các nước Baltic nằm trong số các nước ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng điều này sẽ giảm nguồn thu của Moskva để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Giới chức châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng khí đốt dự trữ hiện tại đủ dùng cho cả mùa đông. Do vậy, các nước này sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho. |
Các bộ trưởng năng lượng của EU cũng xem xét đề xuất tất cả các nước thành viên EU giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, cũng như áp giá trần đối với điện ở mức 200 euro mỗi megawatt/giờ. Đề xuất này cũng bị một số nước phản đối.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Tài chính Mỹ ngày 9/9 cho rằng trần giá dầu mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp áp đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga nên được ấn định theo “giá công bằng theo thị trường” trừ đi phần giá chênh do rủi ro từ cuộc xung đột ở Ukraine. Theo bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố, trong những tuần tới, nhóm G7 sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu mỏ xuất khẩu của Nga và “xúc tiến các chế tài” cụ thể về cách thức triển khai thực hiện.
Trước các động thái trên của phương Tây, ngày 9/9, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn tại Mỹ và các đồng minh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố phương Tây không hiểu rằng các biện pháp này cuối cùng sẽ tác động đến chính đất nước của họ.
Trong khi đó, để đối phó với mùa đông lạnh giá đang đến gần, các nước châu Âu cũng đang triển khai một số biện pháp để đối phó. Chẳng hạn như vào ngày 13/9, Thị trưởng thành phố Paris (Pháp) Anne Hidalgo đã công bố một loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, trong đó có tắt đèn Tháp Eiffel. Cụ thể, từ ngày 23/9, thành phố Paris sẽ tắt đèn Tháp Eiffel sớm hơn 1 giờ so với bình thường; tắt đèn tại các tòa nhà công cộng vào lúc 22 giờ, hạ nhiệt độ nước trong các bể bơi thành phố xuống 25 độ C so với 26 độ C hiện nay, giảm hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng xuống còn 18 độ C. Các biện pháp trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Emmanuel Macron đề ra cho ngành công nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các thành phố, theo đó nước này sẽ cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng để đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt và giá năng lượng leo thang.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc