Multimedia Đọc Báo in

Có gì trong cuộc đối thoại trực tiếp Armenia - Azerbaijan đầu tiên kể từ xung đột biên giới gần đây?

16:14, 20/09/2022

Tại cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng hai nước, Armenia tuyên bố sẵn sàng đối thoại và yêu cầu Azerbaijan rút quân khỏi vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của nước này.

Ngày 19/9, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khóa 77 tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov. Tại cuộc gặp, ông Mirzoyan bày tỏ Yeveran sẵn sàng đối thoại để "giải quyết toàn diện mối quan hệ với Azerbaijan".

Đáng chú ý, đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan kể từ khi xảy ra xung đột gần đây tại biên giới hai nước.

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan lên án việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Armenia và Ajerbaijan. (Nguồn: AFP/Baoquocte.vn)
Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan lên án việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Armenia và Ajerbaijan. Nguồn: AFP/Baoquocte.vn

Đặc biệt hơn, cuộc hội đàm do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken làm cầu nối thúc đẩy. Phía Mỹ cũng mong muốn đi xa hơn trong nỗ lực làm trung gian hòa giải khi thúc giục hai bên gặp lại nhau vào cuối tháng này.

Ngoại trưởng Mirzoyan nhấn mạnh, lực lượng vũ trang Azerbaijan phải rút khỏi lãnh thổ có chủ quyền của Cộng hòa Armenia và lên án việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vấn đề này. Ông khẳng định, Yeveran sẵn sàng tham gia tiến trình đối thoại bình thường hóa quan hệ với Baku.

Bàn về các giải pháp giải quyết xung đột, người đứng đầu ngành ngoại giao Armenia cho rằng, cần huy động các cơ chế quốc tế để ngăn chặn leo thang tiếp diễn, đồng thời khẳng định, việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề nhân đạo, trong đó có hoạt động trao trả tù binh cũng rất quan trọng.

Trước đó, ngày 14/9, các quan chức an ninh Yeveran đã công bố lệnh ngừng bắn với Baku sau 2 ngày pháo kích gần khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh, khiến ít nhất 50 binh sĩ Azerbaijan và 49 binh sĩ Armenia thiệt mạng.

Nagorno - Karabakh nằm sâu trong khu vực lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền kéo dài giữa 2 nước láng giềng.

Từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, cuộc chiến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra khốc liệt.

Năm 1994, hai nước đạt được thỏa thuận ngừng bắn và sau đó tiến hành nhiều cuộc hòa đàm. Tuy nhiên, xung đột biên giới vẫn tiếp tục xảy ra.

Năm 2020, Armenia và Azerbaijan đã xảy ra một cuộc giao tranh kéo dài 44 ngày ở khu vực Nagorno-Karabakh. Xung đột tạm kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian.

Theo đó, nước Cộng hòa tự xưng Artsakh do Armenia kiểm soát đã nhượng một phần khu vực Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan.

 

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.