Quốc tế cam kết hỗ trợ Ukraine tái thiết
Tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với Ukraine ngày 13/12 tại Paris (Pháp), đại diện hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ ngay lập tức cho Ukraine hơn 1 tỷ euro để vượt qua những thách thức trong mùa đông lạnh giá, trong bối cảnh tình hình chiến sự đang gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới năng lượng và hạ tầng dân sự quan trọng ở Ukraine.
Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, với sự tham dự của đại diện 46 quốc gia và 24 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guiteres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal, đại diện Ấn Độ, và một số nước vùng Vịnh.
Theo Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, số tiền mà các nước và tổ chức quốc tế cam kết vượt xa đề nghị 800 triệu euro mà chính quyền Kiev đưa ra ban đầu. Trong đó, khoảng 415 triệu euro sẽ được sử dụng để phục hồi hệ thống năng lượng, 25 triệu euro để sửa chữa mạng lưới cấp nước, 38 triệu euro cho lương thực, thực phẩm, 17 triệu euro dành cho hệ thống y tế, 22 triệu euro sửa chữa hạ tầng giao thông, gần 500 triệu euro còn lại phục vụ cho các mục đích khác.
Một cây cầu bị phá hủy trong xung đột tại thành phố Irpin, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một số nước châu Âu cũng đã công bố nhiều biện pháp mới để hỗ trợ Ukraine. Pháp cho biết sẽ viện trợ bổ sung 76,5 triệu euro, Đức sẽ chuyển giao 50 triệu euro cho Kiev trước tháng 4/2023. Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp 30 triệu bóng đèn LED cho Ukraine, với ngân sách do các nước thành viên đóng góp.
Bên lề hội nghị, Pháp cũng đã ký ba thỏa thuận cung cấp vật tư cần thiết, bao gồm đường ray, thiết bị tái thiết cầu đường, hạt giống với tổng trị giá khoảng 100 triệu euro. Những hàng hóa này do doanh nghiệp Pháp hoặc Đức bảo đảm, thanh toán bằng các phương thức do Pháp thu xếp, không nằm trong những cam kết mà Paris đưa ra tại hội nghị.
Theo số liệu của Liên hiệp quốc, khoảng 18 triệu người, tương đương 40% dân số Ukraine đang phụ thuộc vào nguồn viện trợ, trong khi 7,8 triệu người khác đã rời khỏi đất nước đến các quốc gia khác ở châu Âu. |
Trước đó, vào ngày 12/12, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận về việc phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu, theo đó đã nhất trí về một nền tảng hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tại cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về các yếu tố chủ chốt của một nền tảng phối hợp hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Ông Scholz cho rằng việc tái thiết Ukraine có thể "tương đương Kế hoạch Marshall" do Mỹ thúc đẩy để tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Theo tuyên bố, dựa trên các cam kết của mình, các nước G7 sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ quốc tế để giúp giải quyết các nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine. Để đạt được mục tiêu này, các bộ trưởng tài chính G7 sẽ triệu tập họp ngay lập tức để thảo luận cách tiếp cận chung nhằm phối hợp hỗ trợ ngân sách trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ là trung tâm của nỗ lực này. Theo đó sẽ thành lập "Nền tảng điều phối tài trợ". Nền tảng này sẽ được sử dụng để giám sát các hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn, cụ thể là "hỗ trợ tài chính ngắn hạn - điều phối nguồn tài trợ và chuyên môn quốc tế, đồng thời khuyến khích chương trình cải cách của Ukraine cũng như kinh tế tư nhân dẫn dắt tăng trưởng.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết đáp ứng các nhu cầu của Ukraine về tăng cường năng lực quân sự.
Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU cho biết Mỹ và EU cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine tái thiết và bảo vệ kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng viễn thông và mạng Internet.
Cuối tháng trước, Mỹ đã công bố khoản viện trợ trị giá 53 triệu USD cho Ukraine để mua sắm các trang thiết bị cho mạng lưới truyền tải điện năng trong bối cảnh hệ thống hạ tầng năng lượng ở Ukraine bị hư hỏng do xung đột.
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngày 13/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD cho Ukraine để giúp quốc gia này vượt qua tình trạng khó khăn về thiếu điện trong mùa đông năm nay. Thủ tướng Kishida cũng cam kết sẽ thông qua các tổ chức quốc tế để gửi đến Ukraine một số lượng nhất định máy phát điện và đèn năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 500.000 USD cho Ukraine và các nước láng giềng, cũng như tiếp tục liên hệ với các tổ chức quốc tế để đảm bảo các trang bị thiết yếu giúp người dân giữ ấm trong mùa đông.
Về lâu dài, Nhật Bản cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, trong đó có các quốc gia thành viên G7, để hỗ trợ tái thiết Ukraine.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky trong buổi đối thoại trực tuyến với Quốc hội New Zealand sáng 14/12, Chính phủ New Zealand tiếp tục khẳng định cam kết viện trợ nhân đạo cho Ukraine với gói hỗ trợ trị giá 3 triệu NZD, thông qua Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, nhằm giúp người dân Ukraine vượt qua những khó khăn nghiêm trọng trong mùa đông năm nay. Theo đó, gói viện trợ nhân đạo này sẽ bao gồm: vật tư và thiết bị y tế, thuốc men, máy biến áp và máy phát điện để đối phó với tình trạng mất điện, lều bạt, thực phẩm và các vật dụng vệ sinh... Cho đến nay, New Zealand đã dành cho Ukraine gần 8 triệu NZD viện trợ nhân đạo và 48 triệu NZD viện trợ quân sự, chủ yếu bao gồm triển khai huấn luyện quân sự, tặng thiết bị, vũ khí và đạn dược.
Xung đột Nga – Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng năng lượng ở Ukraine bị hư hỏng nặng do xung đột. Thủ tướng Ukraine ngày 12/12 cho biết nước này cần hỗ trợ khẩn cấp tổng số tiền 1 tỷ USD để đưa lưới điện và hệ thống sưởi ấm trung tâm hoạt động bình thường trở lại. Hiện hàng triệu người ở Ukraine không có điện, nước sạch và không được sưởi ấm khi nhiệt độ giảm mạnh.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc