Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển

15:47, 27/10/2021

Sáng 27-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam cùng lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng Thư ký ASEAN dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24.

Tại hội nghị, các nước ASEAN và Nhật Bản đã hoan nghênh những tiến triển trong hợp tác hai bên thời gian qua.

Các nước nhất trí, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng và thực chất. 

Lãnh đạo các nước ASEAN cảm ơn và đánh giá cao Nhật Bản tiếp tục dành nhiều hỗ trợ cho ASEAN ứng phó dịch COVID-19.

Với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 204 tỷ USD, tổng đầu tư Nhật Bản vào ASEAN đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2020, ASEAN và Nhật tiếp tục là thị trường sản xuất và đầu tư quan trọng của nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 24. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Nhật Bản coi trọng quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, khẳng định ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng, cam kết tăng cường hợp tác với ASEAN trên tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN - Nhật Bản và Quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) năm 2020.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã cung cấp hơn 16 triệu liều vắc xin và viện trợ hơn 32 tỷ yên cho ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ yên lãi suất thấp nhất, khẳng định hỗ trợ Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED) hoạt động bền vững.

Nhật Bản khẳng định cam kết hỗ trợ ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng nhằm hạn chế các tác động do dịch COVID-19, đầu tư nguồn lực nhiều hơn giúp ASEAN ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững...

Thủ tướng Nhật Bản mời các lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ tại Nhật Bản vào năm 2023 và thông báo đề xuất kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời nhất trí phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay.

Trao đổi về tình hình trong khu vực, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nhật Bản cũng khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.

Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nhật Bản tham dự theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trưởng đoàn các nước ASEAN và Nhật Bản tham dự theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự ủng hộ và hợp tác của các nước đã dành cho Việt Nam trong nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản 2018 - 2021, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hoan nghênh tiến triển tích cực của quan hệ hai bên trong bối cảnh khó khăn hiện nay; đồng thời đề nghị hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh các ưu tiên, hợp tác phối hợp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, phục hồi hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần hợp tác nâng cao năng lực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao Nhật Bản đã hỗ trợ vắc xin cho các nước, trong đó có Việt Nam, và khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy thành lập và đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm AC-PHEED.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong phục hồi và ổn định các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh ở khu vực và Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều, bao trùm, bền vững ở các vùng, miền còn kém phát triển, trong đó có tiểu vùng Mekong thông qua khuôn khổ hợp tác Mekong - Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản tích cực hỗ trợ các nước ASEAN và Việt Nam phát triển hạ tầng chiến lược, phát triển xanh, hợp tác chuyển đổi số, kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức nảy sinh nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực của Nhật Bản dành cho ASEAN trong đóng góp gìn giữ ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông thông qua đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy cam kết và hành xử trách nhiệm của các bên, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.