Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định cam kết của ASEAN và Việt Nam về phát triển xã hội

16:47, 04/10/2024

Ngày 3/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) đã diễn ra phiên khai mạc và thảo luận chung thường niên của Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa (Ủy ban 3) Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã thay mặt ASEAN có bài phát biểu tại đề mục về phát triển xã hội.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên thảo luận chung thường niên của Ủy ban các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa (Ủy ban 3) Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 79. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên thảo luận chung thường niên của Ủy ban các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa (Ủy ban 3) Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 79. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ASEAN luôn coi phát triển xã hội là ưu tiên hàng đầu, gắn kết với cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2023 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm hướng tới xây dựng xã hội bao trùm, công bằng và lấy người dân làm trung tâm.

Đại sứ nêu bật những nỗ lực và kết quả ASEAN đạt được trong xóa nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát huy vai trò và tiềm năng của thành niên, cũng như bảo đảm quyền, phúc lợi của người cao tuổi và người khuyết tật.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định ASEAN cam kết đẩy mạnh thực hiện chương trình nghị sự phát triển xã hội, thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các khuôn khổ hợp tác liên quan khác của ASEAN nhằm xây dựng cộng đồng tự cường, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng ngày, trong phát biểu quốc gia, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhận định các thách thức cấp bách hiện nay như xung đột, biến đổi khí hậu, chênh lệch về trình độ phát triển và khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, cũng như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững không đạt tiến độ đề ra đang tác động tiêu cực đến sự gắn kết và ổn định xã hội trên toàn cầu. Giải quyết các thách thức này đòi hỏi nỗ lực chung và kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó người dân cần luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi chính sách và hành động.

Chia sẻ những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam sau gần 40 năm thực hiện Đổi mới, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng xã hội công bằng, ưu tiên bảo đảm phúc lợi và tạo điều kiện cho người dân phát huy tiềm năng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.