Multimedia Đọc Báo in

Có nên níu kéo vận động viên bằng hai chữ "trung thành"?

08:55, 20/03/2022

Một trong những đề tài tranh luận chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết trong thể thao là vận động viên có cần phải trung thành, gắn bó với đội bóng, câu lạc bộ trong suốt sự nghiệp hay không?

Câu hỏi thật khó có câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục giữa hai luồng ý kiến trái chiều (có hoặc không) nếu không đặt mình vào vị trí người trong cuộc hoặc nhìn nhận tổng thể vụ việc dưới góc nhìn khách quan, không chút cảm tính.

Với những ý kiến tán thành, cho rằng vận động viên phải có lòng trung thành, thì theo tâm lý tự nhiên của con người, họ đòi hỏi vận động viên thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm với câu lạc bộ đã đào tạo, nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng, giúp mình trưởng thành. Và điều đó cần thể hiện qua hành động cụ thể là gắn bó, cống hiến, tận tụy phục vụ câu lạc bộ đó. Trong khi những người phản đối cũng đưa ra những lập luận có lý, có tình rằng vận động viên có quyền tự do, quyết định tìm cho mình một “bến đỗ” mới, một môi trường khác để thử sức, phát triển tài năng, tất nhiên là sau khi cảm thấy đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với câu lạc bộ.

Quang Hải trong vòng tay đồng đội sau khi ghi bàn thắng duy nhất giúp Hà Nội đánh bại Thanh Hóa trong trận đấu bù vòng 1 - V.League. Ảnh: Phong Uyên

Những ngày qua, câu chuyện cầu thủ tài năng, tuyển thủ quốc gia Quang Hải và Câu lạc bộ Hà Nội không tìm được tiếng nói chung để tái ký kết hợp đồng và danh thủ sinh năm 1997 rời khỏi đội bóng sau 15 năm gắn bó được dư luận rất quan tâm, đưa lên “bàn mổ”, cũng với hai luồng ý kiến phản đối và ủng hộ. Tiền vệ người Đông Anh đang đối diện nhiều chỉ trích gay gắt khi cho rằng anh quá coi trọng vấn đề tiền bạc, "làm mình làm mẩy", yêu sách, đòi hỏi các khoản phí rất cao mà câu lạc bộ khó đáp ứng được. Trong khi đó với những ai yêu mến, bênh vực Quang Hải thì khẳng định đây chính là thời điểm thích hợp để anh ra đi, tìm kiếm câu lạc bộ mới, thậm chí là ở các giải đấu hàng đầu ở châu Á nhằm phát triển chuyên môn chứ không hoàn toàn vì nguyên nhân tiền bạc.

Ở đây, không bàn đến chuyện ai đúng ai sai, đứng về phía ủng hộ hoặc phản đối trong câu chuyện này, song chỉ phân tích 1 khía cạnh của vấn đề để thấy rằng sẽ khó có câu lạc bộ nào nhân danh hai chữ “trung thành”, ràng buộc vận động viên phải phục vụ suốt đời, nhất là với thể thao chuyên nghiệp. Đơn giản là khi hợp đồng sắp chấm dứt, trên bàn đàm phán nếu không thống nhất được những điều kiện giữa hai bên, cầu thủ có quyền ra đi. Điều đó hoàn toàn đúng với các quy định chuyển nhượng hiện hành. Còn trong trường hợp câu lạc bộ chấp nhận xuống nước, nhượng bộ cố níu kéo vận động viên ở lại và trả mức lương cao hơn thì lúc này mối quan hệ, sự “thỏa thuận có phần gượng gạo” giữa hai bên ít nhiều đã bị rạn nứt, ông chủ trả lương chẳng vui vẻ gì, trong khi cầu thủ ở lại cũng chẳng thể thoái mái. Không những vậy điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy mà cả bản thân câu lạc bộ và cầu thủ chẳng ai mong muốn. Cụ thể về phía câu lạc bộ quỹ lương và nguyên tắc hoạt động sẽ bị phá vỡ, tạo tiền lệ xấu về sau; còn cầu thủ thì đứng trước khả năng mai một tài năng khi đang ở trong môi trường không thật sự thoải mái. Ở bóng đá quốc tế, đã xảy ra không ít chuyện cầu thủ tài năng chấp nhận “dứt áo ra đi” hơn là phải ngồi trên ghế dự bị dù được nhận mức lương hậu hĩnh.

Câu chuyện này gợi nhớ đến tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Trinh vừa mới chia tay Câu lạc bộ bóng chuyền Đắk Lắk năm 2022. Trước đó cũng đã có nhiều ý kiến người hâm mộ không đồng tình khi cô rời đội bóng quê hương, nơi đã phát hiện, góp phần đào tạo, giúp cô trưởng thành. Song với những người ở trong cuộc, trong đó có cả chính đơn vị chủ quản thì hiểu rằng đã đến lúc không níu kéo vận động viên này bằng hai chữ “trung thành” nữa. Ba năm phục vụ đội bóng, âm thầm hy sinh, chịu rất nhiều thiệt thòi về kinh tế, trong sự chèo kéo của các đội bóng mạnh, có tiềm lực tài chính hùng mạnh khác để giúp bóng chuyền Đắk Lắk liên tục trụ hạng thành công là quá đủ và đã đến lúc gương mặt từng đoạt Huy chương bạc SEA Games này có cho mình một “bến đỗ” mới, với những thử thách cao hơn. Lúc bấy giờ những vinh quang mà cô đạt được với đội bóng mới cũng chính là niềm tự hào cho chính mảnh đất quê hương và đội bóng cô đã từng gắn bó thi đấu. Khi có một cái nhìn khách quan, xa hơn và nghĩ đến chính tương lai của vận động viên như thế, thể thao chuyên nghiệp mới bớt đi những cái nhìn thiếu thiện cảm, có phần không công bằng với vận động viên, không riêng gì ở bóng đá mà với bất cứ môn thể thao nào.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.