Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi ngày hội thể thao các dân tộc thiểu số

08:21, 13/04/2022

Sau một năm tạm gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ XVIII, năm 2021 – 2022 được tổ chức mới đây đã diễn ra trong không khí tranh tài sôi nổi, vui tươi, thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn những diễn biến phức tạp, với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm công tác chuẩn bị hết sức chu đáo, các vận động viên tham gia tranh tài phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện tets nhanh trước khi thi đấu, các cổng ra vào, khu vực thi đấu bố trí dung dịch sát khuẩn, khẩu trang. Các môn thi đấu được sắp xếp khoa học, phù hợp, diễn ra ở nhiều khu vực và theo hình thức cuốn chiếu, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, vừa tuân thủ nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch.

Vận động viên nữ thi đấu môn đẩy gậy.

Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ XVIII, năm 2021 – 2022 có các môn: bắn nỏ - ná (hai nội dung nam, nữ của các tư thế đứng bắn, quỳ bắn), kéo co (nam, nữ và nam nữ phối hợp), đẩy gậy (18 hạng cân), bóng đá mini nam, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ và chạy cà kheo với sự tham dự của hơn 600 vận động viên đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố, diễn ra trong suốt 3 ngày. Thời gian nghỉ hơn một năm đã giúp các đoàn dự giải chuẩn bị lực lượng tốt nhất, tập luyện nghiêm túc để tranh tài cùng đơn vị bạn. Các địa phương đều lựa chọn những môn vốn là thế mạnh, mũi nhọn truyền thống của mình tham dự nhằm cạnh tranh thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng chung cuộc.

Là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, song M’Drắk có số lượng vận động viên tham dự đông thứ nhì hội thi với 60 người, hướng đến mục tiêu lần đầu tiên lọt vào tốp 3 đoàn dẫn đầu. Với tinh thần thi đấu hết mình, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các vận động viên huyện M’Drắk đã xuất sắc đoạt 2 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng ở các nội dung cá nhân cùng 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng nội dung đồng đội để đạt tổng cộng 186 điểm, xếp vị trí thứ ba, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Trong khi đó huyện Krông Búk, “cái nôi” của bộ môn kéo co và đẩy gậy triệu tập lực lượng hùng hậu không kém, gồm 40 vận động viên, tập trung vào 18 nội dung của môn kéo co và 3 nội dung của môn đẩy gậy, không giấu tham vọng “thâu tóm” tất cả các huy chương ở hai bộ môn này. Sự chọn lựa khôn khéo ấy đã giúp huyện Krông Búk đạt thành tích 11/18 nội dung của môn đẩy gậy. Ở môn kéo co, bộ môn phản ánh rõ tinh thần tập thể, tính đồng đội nhất, huyện Krông Búk vô địch ở cả 3 nội dung là nam, nữ và nam nữ phối hợp. Với tổng cộng 256 điểm có được, huyện Krông Búk xuất sắc bảo vệ thành công ngôi vị nhất toàn đoàn đã đạt được tại hội thao này năm 2020.

Vận động viên thi đấu môn kéo co, nội dung nữ.

Còn thị xã Buôn Hồ, đơn vị có số vận động viên tham dự đông nhất (78 vận động viên) với tham vọng “lật đổ” ngôi vị số 1 của huyện Krông Búk đã tham dự tất cả các môn. Song trước một Krông Búk vốn trước đây cùng là “người nhà” quá mạnh, Buôn Hồ đã không thể soán ngôi. Dẫu vậy họ cũng tạm hài lòng với với việc bảo vệ thành công vị trí thứ nhì chung cuộc đã giành được 2 năm trước.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà, Đắk Lắk là địa phương hội tụ nhiều dân tộc thiểu số. Cùng với việc nỗ lực duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều đặn phối hợp tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, tạo cơ hội cho các dân tộc anh em giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu thêm bản sắc văn hóa của nhau, qua đó củng cố, thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc cũng như bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống.

Theo đánh giá của Ban tổ chức thì qua 18 lần tổ chức, chất lượng hội thi ngày càng được nâng lên, Ban tổ chức đã tuyển chọn được những gương mặt xuất sắc tham gia tranh tài ở các Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, khu vực II (gồm 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Tây Nguyên). Lực lượng tuyển chọn này sẽ giúp Đắk Lắk duy trì, khẳng định được vị thế số 1 các tỉnh Tây Nguyên như đã đạt được liên tục trong các năm 2015, 2017 và 2019.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.