Nhìn lại SEA Games 31: Vui nhưng đừng quên “biển cả” trước mắt
SEA Games 31 khép lại với kỷ lục mới về số lượng Huy chương Vàng mà thể thao Việt Nam thiết lập được ở một kỳ đại hội thể thao khu vực. Vui nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng không nhiều thành tích tiệm cận hoặc đủ khả năng tranh chấp ở đấu trường châu lục. Điều này đòi hỏi ngành thể thao cần có tính toán và chiến lược khả thi để thể thao Việt Nam vững bước trên hành trình vươn ra "biển lớn".
Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 rất ấn tượng, thể hiện được năng lực cạnh tranh và sự tiến bộ của các tuyển thủ trong cuộc tranh tài với đối thủ khu vực ở nhiều môn thể thao thuộc hệ thống Olympic, ASIAD. Dù vậy, theo đánh giá của chính những người làm công tác chuyên môn, chiến thắng ở SEA Games 31 mới chỉ là điểm xuất phát của hy vọng “vươn ra biển lớn”, chứ chưa thể đảm bảo bất cứ điều gì chắc chắn cho giấc mơ giành huy chương tại các cuộc tranh tài tầm châu lục hay thế giới sẽ sớm thành hiện thực.
Tại SEA Games 31, ngoại trừ môn lặn, thể thao Việt Nam thiết lập được 7 kỷ lục mới ở các môn điền kinh (2 kỷ lục), bơi (4 kỷ lục) và cử tạ (1 kỷ lục), nhưng hầu hết thông số chuyên môn vẫn còn khoảng cách nhất định với thành tích cạnh tranh huy chương ở châu lục. Đơn cử ngay kỷ lục được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao tại SEA Games 31 ở nội dung 400 m bơi tự do của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là 3 phút 48 giây 06, song vẫn còn thấp hơn thành tích 3 phút 47 giây 20 của Hagino Kosuke (Nhật Bản) từng giành Huy chương Đồng tại ASIAD vào năm 2018. Hay như kỷ lục 55m97 ở nội dung ném lao nữ của Lò Thị Hoàng cũng còn cách khá xa thành tích giành Huy chương Đồng ASIAD 18 là 56m74.
U23 Việt Nam đã vô địch SEA Games 31, song con đường ra "biển lớn" còn rất gian nan. |
“Các cuộc thi đấu ở SEA Games 31 vẫn còn khoảng cách nhất định về chuyên môn so với ASIAD và chưa nói lên nhiều điều. Ngay cả với Nguyễn Huy Hoàng, nếu thành tích như hiện tại, rất khó để tranh chấp Huy chương Vàng ở đấu trường châu lục, chứ chưa nói đến chuyện vươn đến Olympic. Thành tích ở những môn thể thao định lượng được (như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ) hiện mới chỉ đủ để dẫn đầu ở SEA Games 31 và phải rất cố gắng mới đủ khả năng cạnh tranh ở đấu trường ngoài khu vực”, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhận định.
Cũng theo đánh giá của ông Trần Đức Phấn, đối với những môn thi đấu đối kháng như nhóm các môn võ taekwondo, karate, vật… sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. “Ở SEA Games các tuyển thủ Việt Nam thi đấu rất tưng bừng nhưng ra châu lục cũng chưa là gì cả và ở Olympic thì lại càng khó khăn hơn. Mặt bằng trình độ, năng lực đối thủ cạnh tranh ở các đấu trường là khác nhau và thành tích ở SEA Games chỉ là bước đệm”, ông Phấn nhấn mạnh.
Một vài ví dụ nêu trên cho thấy, “say” trong niềm vui chiến thắng tại SEA Games 31 nhưng thể thao Việt Nam không nên tự huyễn hoặc mà cần nhanh chóng tìm ra giải pháp nâng cao, cải thiện thành tích cho các tuyển thủ. “Thực tế, thể thao Việt Nam chỉ có khoảng 30 vận động viên có triển vọng và được chuẩn bị để tranh tài tại ASIAD sắp tới với mục tiêu giành từ 3 - 5 Huy chương Vàng, chứ không có quá nhiều để chọn lọc”, ông Phấn cho hay.
Thể thao Việt Nam có vị trí ổn định trong top 3 đoàn thể thao dẫn đầu khu vực kể từ năm 2003 tới nay, song thường đứng dưới Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore hay Philippines khi quy chiếu thành tích từ ASIAD hoặc Olympic. Cũng theo ông Phấn, chúng ta có ít vận động viên ở trình độ châu lục hơn so với các quốc gia này. Ví dụ như Thái Lan hay Singapore, họ tập trung đầu tư nhiều hơn cho các đấu trường lớn và không đặt nặng thành tích ở khu vực từ trước đây rất lâu.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của thể thao Việt Nam là gần như toàn bộ tuyển thủ ở đội tuyển quốc gia các môn đều đổ dồn về Trung ương trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. Ông Phấn đặt ra vấn đề, để giải “bài toán thành tích” ở SEA Games, chỉ cần các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đầu tư cho vận động viên là hoàn toàn có thể làm được. Như vậy, nguồn ngân sách ở Trung ương sẽ tập trung cho mũi nhọn, hướng tới trọng tâm là ASIAD.
“Thể thao Việt Nam có thể giành được 10 Huy chương Vàng ASIAD nếu nguồn lực được tập trung cho đấu trường này và làm bài bản, đầy đủ, có trọng tâm theo chuẩn quốc tế. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa khoanh vùng được nên cũng rất khó. Điền kinh, bơi, bắn súng, bắn cung… đều có vận động viên triển vọng song nếu không được đầu tư thì không nhiều hy vọng”, ông Phấn trăn trở.
Rõ ràng có rất nhiều gian nan và thử thách trong hành trình chinh phục đấu trường châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam ngay trong tương lai gần. Nếu muốn có được nhiều hơn các tuyển thủ đủ khả năng thắp sáng hy vọng tranh chấp huy chương ở sân chơi lớn, việc khoanh vùng sàng lọc nhân sự và môn thể thao cần sớm được thực hiện một cách quyết liệt. Vì nó gần như là sự lựa chọn duy nhất trong bối cảnh sự đầu tư từ ngân sách có giới hạn nhất định.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc