Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa những thảm kịch bóng đá: Từ chuyện người ngẫm đến ta!

08:44, 26/10/2022

Bóng đá thế giới vừa chứng kiến một thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử môn túc cầu: vụ bạo loạn sân cỏ ở Indonesia làm ít nhất 125 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, biến ngày 1/10 trở thành sự kiện thể thao tang thương…

Những hình ảnh kinh hoàng các clip ghi lại diễn biến của thảm họa trên Sân vận động Kanjuruhan khiến khán giả hâm mộ quả bóng tròn trên khắp thế giới bàng hoàng. Sự việc xảy ra sau khi kết thúc trận derby giữa Arema FC và Persebaya Surabaya.

Theo đó, thất vọng vì bại trận 2-3 trước đại kình địch trên sân nhà, cổ động viên Arema phản ứng bằng cách ném chai lọ cùng nhiều đồ vật khác vào các cầu thủ, quan chức bóng đá. Họ tràn xuống sân, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, buộc cảnh sát phải vào cuộc, dùng công cụ hỗ trợ, súng hơi cay để vãn hồi trật tự.

Đám đông giẫm đạp lên nhau tìm lối thoát khi bị cảnh sát bắn hơi cay. Bạo lực lan ra bên ngoài sân vận động, xe cảnh sát bị đốt cháy. Giới chức có trách nhiệm của Indonesia đã lên tiếng xin lỗi, song với những gia đình có người thân mất thì hậu quả là không thể bù đắp. Hình ảnh, uy tín của bóng đá Indonesia, đất nước được vinh dự chọn đăng cai Giải vô địch bóng đá U20 thế giới 2023 bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Cổ động viên chủ nhà Arema tràn xuống sân sau trận đấu gây bạo loạn. Ảnh từ clip Internet.

Sau thảm kịch bóng đá chấn động làng túc cầu thế giới, vấn đề nóng được đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa những thảm kịch tương tự có thể xảy ra, công tác tổ chức trận đấu trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia lúc này. Bởi lẽ ở một môn thể hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và giàu cảm xúc nhất, với không ít cái “đầu nóng”, vận động viên quá khích luôn chực chờ, lợi dụng cơ hội để gây rối thì để giải quyết bài toán an ninh, giúp trận cầu từ khi khởi tranh đến lúc kết thúc an toàn không phải là vấn đề giản đơn.

Thông thường, ở những trận cầu “đinh”, cuộc chiến nội bộ, hay có sự hiện diện của các đội bóng nằm trong “danh sách đen”, có cổ động viên thường gây rối, công tác an ninh được ưu tiên đặt lên hàng đầu, ban tổ chức tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí cả bên trong và ngoài sân cỏ nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi, biểu hiện gây rối, không để tạo thành hiệu ứng dây chuyền “đô mi nô”, mất kiểm soát tình hình.

Biện pháp hữu hiệu này được liên đoàn bóng đá các nước áp dụng. Tại Anh, nơi từng nổi tiếng với những vụ bạo động của cổ động viên, holigan quá khích, sau thảm kịch xảy ra tại Hillsborough năm 1989 làm 96 người thiệt mạng và 700 người bị thương đã rút bài học kinh nghiệm. Từ đó bên cạnh việc chú trọng đến công tác xây dựng sân bóng theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, có hàng rào chắn, ban tổ chức các trận đấu đặc biệt quan tâm, triển khai tốt công tác an ninh, họ chia khu vực cổ động viên hai đội bóng ở những khán đài riêng, xen giữa là cổ động viên trung lập, tạo một khoảng cách, trong suốt trận đấu, lực lượng an ninh luôn hướng lên các khán đài, quan sát, theo dõi những biểu hiện bất thường. Sự quản lý chặt chẽ như vậy giúp kiểm soát được những tình huống va chạm, xô xát thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa các cổ động viên.

Một pha tranh bóng giữa cầu thủ Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tại Việt Nam, công tác phòng ngừa, ngăn chặn những sự cố trong, ngoài sân cỏ cũng luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng bởi những hình ảnh xấu xí vẫn còn tồn tại, như tình trạng cổ động viên lén lút đốt pháo sáng, gây nguy hiểm trên khán đài, hoặc gây rối bên ngoài sân vận động, thậm chí tấn công cổ động viên đối phương. Trong khi đó sự hiện diện khá mỏng của lực lượng an ninh chưa đủ sức “làm lạnh” những cái đầu “nóng” và những biện pháp chế tài, phạt tiền hoặc cấm vào sân với các cổ động viên quá khích dường như chưa đủ sức mạnh răn đe. 

Tất nhiên không thể phủ nhận nỗ lực của các câu lạc bộ đối với công tác bảo vệ an ninh trận đấu. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh tăng cường gấp đôi lực lượng an ninh, có chó nghiệp vụ hỗ trợ để giữ trật tự khi tiếp đội bóng có một số cổ động viên quá khích Hải Phòng; tương tự là Sông Lam Nghệ An cũng triển khai nhiều giải pháp an ninh, thậm chí bố trí xe dẫn đường, đưa cổ động viên khách rời sân khi tiếp đón chính Hải Phòng, song vẫn không thể ngăn chặn các sự cố gây rối, mất trật tự, mâu thuẫn giữa cổ động viên hai đội; hay cầu thủ tấn công những vị “vua áo đen”, hoặc lao vào ẩu đả, kéo theo những cổ động viên ủng hộ tham gia, gây mất an ninh cả trong, ngoài sân cỏ. Bởi thế thảm kịch của bóng đá Indonesia vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo mà công tác tổ chức trận đấu của các giải vô địch bóng đá Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc