Multimedia Đọc Báo in

Cầu thủ Việt và thử thách xuất ngoại

16:32, 18/02/2023

Việt Nam có không ít cầu thủ xuất ngoại, thi đấu cho các câu lạc bộ (CLB) tại một số giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ Việt Nam chưa để lại nhiều dấu ấn, nếu không muốn nói là thất bại.

Trước hết, phải khẳng định rằng việc các cầu thủ Việt Nam mạnh dạn ra nước ngoài thử thách trong một môi trường mới là bước đột phá, là xu hướng tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Điều đó phần nào phản ánh trình độ của các cầu thủ Việt đã được thừa nhận. Song với quá nhiều khác biệt ở môi trường mới, ở một giải đấu mà chất lượng chuyên môn cao hơn trong nước nên đa phần cầu thủ Việt Nam đều chưa thích nghi, hòa nhập chứ chưa nói đến thành công.

Quang Hải là minh chứng cụ thể. Tiền vệ 26 tuổi đã đầu quân cho CLB Pau của Pháp đang chơi ở giải Ligue 2 với bản hợp đồng 2 năm, bắt đầu từ tháng 6/2022. Chắc chắn, trong nước không ai phủ nhận tài năng của Quang Hải khi anh luôn là sự lựa chọn đầu tiên của cựu Huấn luyện viên Park Hang-seo trong màu áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này Quang Hải đang trải qua những chuỗi ngày khó khăn trong sự nghiệp của mình. Thống kê sau hơn 8 tháng kể từ khi gia nhập CLB mới, tính cả thời gian ra sân từ ghế dự bị, Quang Hải chỉ chơi 11 trận ở Ligue 2, với 244 phút, trung bình 22 phút mỗi trận. Mới đây anh phải xuống đội hình B của CLB Pau, thi đấu ở hạng 5 nước Pháp. Chắc chắn rằng, tần số xuất hiện ngày càng ít của anh ở các trận đấu là do yếu tố chuyên môn, khả năng anh không phù hợp với sơ đồ chiến thuật của Huấn luyện viên Didier Tholot.

Quang Hải trong ngày ra mắt Câu lạc bộ Pau. Ảnh: Facebook Pau FC

Hệ quả của việc phải ngồi trên băng ghế dự bị thường xuyên là hết sức nghiêm trọng: mất cảm giác bóng, tư duy và sự sắc bén của một cầu thủ. Tại AFF Cup vừa qua, Quang Hải chính là cái tên gây thất vọng nhất khi anh hầu như không để lại một dấu ấn nào ngoài pha kiến tạo giúp Hoàng Đức ghi bàn ấn định chiến thắng 3-0 cho tuyển Việt Nam trước Malaysia tại vòng bảng. Trong trận chung kết lượt về tại Thái Lan, Quang Hải mất suất đá chính, kể cả khi được Huấn luyện viên Park Hang-seo trao cơ hội, tung vào sân thay thế Tuấn Anh, tiền vệ sinh năm 1997 tiếp tục chơi mờ nhạt.

Trước Quang Hải, Văn Hậu là một trong những cầu thủ được đánh giá có nhiều tiềm năng, khả năng thành công nhất khi xuất ngoại bởi anh hội tụ các yếu tố trẻ, khỏe và có thể hình tốt. Tuy nhiên hậu vệ này cũng không gặt hái thành công như mong đợi khi gia nhập SC Heerenveen (Hà Lan) và nhanh chóng quay về nước. Tương tự là Xuân Trường, tiền vệ được đào tạo, trưởng thành từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai từng khoác áo 3 CLB gồm: Incheon United, Gangwon (Hàn Quốc) và Buriram United (Thái Lan) nhưng anh cũng chủ yếu ngồi dự bị, cơ hội ra sân là hiếm hoi. Các cầu thủ khác như Tuấn Anh, Công Phượng cũng đã thử sức ở môi trường nước ngoài, nhưng cũng không thành công như kỳ vọng. Hiếm hoi có thủ thành Đặng Văn Lâm gặt hái thành công khi chơi bóng ở nước ngoài. Anh đầu quân cho CLB Muangthong United (Thái Lan) với mức phí chuyển khoảng 480.000 USD và chiếm suất bắt chính và là trụ cột của CLB.

Giới chuyên môn đặt vấn đề, tranh luận cầu thủ Việt Nam nên tiếp tục lựa chọn ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp hay không? Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, tất nhiên cầu thủ có sự lựa chọn tương lai, sự nghiệp của mình, tuy nhiên bên cạnh việc chủ động trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, khả năng thích ứng, sẵn sàng đối diện với những thử thách khắc nghiệt thì cần cân nhắc, lựa chọn những môi trường bóng đá phù hợp với thể hình, thể trạng và lối chơi của cầu thủ Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đội bóng phù hợp để đưa ra quyết định. Cùng với đó thì các tổ chức quản lý bóng đá, CLB cần phối hợp chặt chẽ, nhìn nhận và định hướng rõ hơn về việc để cầu thủ xuất ngoại. Hoạt động xuất ngoại cầu thủ là cần thiết nhằm thúc đẩy bóng đá nước nhà, song phải tiến hành đồng bộ, theo đúng lộ trình, hướng đến những nền bóng đá không có quá nhiều cách biệt về chuyên môn, tất cả vì một mục tiêu chung là vừa có thể phát triển sự nghiệp cá nhân cầu thủ, vừa mang lại lợi ích cho bóng đá nước nhà khi đội tuyển có sự phục vụ của cầu thủ đó.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.