“Phù thủy trắng bắt bệnh” bóng đá Việt
Trước khi trở lại làm Huấn luyện viên (HLV) trưởng bóng đá Việt Nam, ông Philippe Troussier từng có quá trình gần 2 năm dẫn dắt U19 Việt Nam. Mới đây, “phù thủy trắng” đã có những phát biểu thẳng thắn mang tính “bắt bệnh” bóng đá Việt Nam. Rõ ràng HLV người Pháp có những hiểu biết sâu sắc về nền bóng đá mà ông đang trải nghiệm.
Sau khi đã tập trung cả đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, HLV Philippe Troussier đã có những trận đấu đầu tiên kể từ khi dẫn dắt bóng đá Việt Nam. Kết quả những cuộc “thử lửa” không quan trọng bằng những chia sẻ hết sức thẳng thắn về những gì ông trải nghiệm. Ông Philippe Troussier nói: “Các cầu thủ chia sẻ với tôi rằng suốt nhiều tháng qua họ chỉ được thi đấu 4 trận tại V.League mà thôi. Trong khi đó, 4 tháng ở châu Âu thì các cầu thủ ở đó phải thi đấu được 40 trận rồi. Tôi nghĩ có hai điều cần điều chỉnh. Thứ nhất là chúng ta phải tăng tính cạnh tranh cho giải Vô địch quốc gia V.League, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40 - 50 trận mỗi năm và mùa giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam có thể diễn ra liên tục trong 10 tháng. Thứ hai, tuyển Việt Nam cần có nhiều trận đấu tập huấn, cọ xát với các đối thủ mạnh, nhất là các đội trong top 60 FIFA”.
Huấn luyện viên Philippe Troussier và các tuyển thủ U23 Việt Nam trong trận giao hữu thắng Câu lạc bộ Phú Thọ 2-1. |
Lời khuyên của HLV Philippe Troussier về bóng đá Việt Nam khác gì với ông Park Hang-seo thời mới đến Việt Nam cầm quân?
Trở lại quá khứ, khi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam, ông hầu như không có nhiều hiểu biết bóng đá Việt. Phải 2 năm sau, tức là năm 2019, ông mới thẳng thắn đưa ra nhận xét trên truyền thông: “Tôi xin nói thẳng với tư cách là HLV đội tuyển Việt Nam thì chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho World Cup đâu. Chúng ta phải có kế hoạch, Chính phủ Việt Nam và VFF cần phải có kế hoạch và những bước đi. Còn tôi là HLV trưởng sẽ thực hiện đúng kế hoạch đấy”.
Ông Park đã chỉ ra các điểm yếu cốt tử như các câu lạc bộ hiện nay có đến 80% cầu thủ người nước ngoài thi đấu ở các vị trí trung vệ và tiền đạo đá cao nhất. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng như thế này thì sắp tới tiền đạo, trung vệ giữa lấy nguồn đâu ra? Tất nhiên, các câu lạc bộ có lý do của họ về việc tại sao họ lại sử dụng ngoại binh. Nhưng vấn đề này có lẽ là câu lạc bộ và VFF cần ngồi lại làm sao tìm ra một hướng giải quyết. Về tư duy huấn luyện, đào tạo cầu thủ, ông Park phân tích: Nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm hoàn thiện thì bóng đá Việt Nam cần phải có chuyên gia về kỹ thuật, chuyên gia về dinh dưỡng từ nhỏ, chuyên gia về thể lực, đội ngũ y tế gọi là phòng tránh, chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu hỗ trợ, chuyên gia tâm lý…
Đến đây, mọi người có thể thấy các “căn bệnh” mà HLV Philippe Troussier vừa chỉ ra với bóng đá Việt Nam có nhiều tương đồng với nhận xét của hai HLV là Park Hang-seo và A.Riedl. Có nghĩa là, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng vẫn còn nặng “kinh nghiệm chủ nghĩa”, nặng về “bệnh thành tích”. Các cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện thi đấu ở mọi cấp độ, nhất là ở giải chuyên nghiệp. V.League và hạng Nhất chưa vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các câu lạc bộ. Ở tầm các đội tuyển, đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia ít được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ các nền bóng đá đỉnh cao của thế giới.
Khi đưa ra những nhận xét đó, với tư cách HLV quá nhiều lần dẫn dắt các câu lạc bộ, đội tuyển quốc gia, hai lần dự World Cup, ông Philippe Troussier muốn truyền đi thông điệp cốt lõi: muốn đội tuyển Việt Nam dự World Cup 2026, 2030, bóng đá Việt phải “xây nhà từ móng”.
Tất nhiên, vị HLV người Pháp chỉ đóng vai trò “thợ xây”, còn thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chủ nhà, tức bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào. Cả hệ thống của nền bóng đá phải kiên quyết loại bỏ tư duy “xây nhà từ nóc”. Nếu không thì giới hạn của nền bóng đá cũng chỉ đạt đến những gì mà di sản HLV Park Hang-seo để lại.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc