Multimedia Đọc Báo in

Lại chuyện… trọng tài

07:49, 11/05/2023

Tại nhiều kỳ SEA Games, không chỉ các đoàn thể thao mà ngay phóng viên cũng bức xúc với vấn nạn trọng tài thiếu công tâm. Những giọt nước mắt tức tưởi của vận động viên bị trọng tài tước mất huy chương luôn gây xót xa.

1. Bởi, không như cầu thủ bóng đá, vận động viên các môn thể thao khác thường ít được chú ý, ít có cơ hội tham gia giải đỉnh cao nên thu nhập rất thấp. Dù vậy, sự khổ luyện của họ không hề thua kém các cầu thủ bóng đá. Chỉ có tấm huy chương, đặc biệt là Huy chương Vàng (HCV), bên cạnh tiền thưởng, còn có sức cổ vũ lớn về tinh thần. Một vận động viên đạt HCV còn là niềm tự hào của cả một địa phương.

Hôm qua, trận chung kết đối kháng nữ hạng 50 – 55 kg của pencak silat, trọng tài sàn đã quyết định chiến thắng cho tuyển thủ Nguyễn Hoàng Hồng Ân trước đối thủ Safira (Indonesia). Quyết định được đưa ra bằng luật RSC – xử vận động viên thua nếu bị chấn thương không đảm bảo sức khỏe thi đấu. Ở ván thứ 3 của trận đấu, Hồng Ân đã làm cho đối phương bị chấn thương vai và Safira không có khả năng chiến đấu. Lúc đó, điểm trận đấu đang là Safira dẫn Hồng Ân 61-43. Hồng Ân của chúng ta đã khoác lá cờ đỏ sao vàng chạy khắp sân ăn mừng.

Lần đầu tiên dự SEA Games, võ sĩ Pencak silat Nguyễn Hoàng Hồng Ân đã được xử chung cuộc vô địch.

Tuy vậy, đội Indonesia quyết định gửi đơn khiếu nại lên ban tổ chức. Trọng tài tổng đã xem xét rồi phủ định các quyết định của trọng tài sàn trước đó để cho rằng võ sĩ Safira mới là người chiến thắng. Trước sự việc, Phó Đoàn thể thao Việt Nam – ông Hoàng Quốc Vinh đã có mặt tại sàn đấu môn pencak silat và yêu cầu ban trọng tài phải công nhận quyết định của các trọng tài chấm điểm sàn. Dù vậy, tổng trọng tài không đồng ý. Rất may, ban trọng tài bộ môn pencak silat đã tiếp nhận đơn khiếu nại của Việt Nam, cùng xem lại camera quay chậm các tình huống, rồi quyết định Hồng Ân là người chiến thắng. Một diễn tiến gay cấn nhưng có hậu. Đây là lần đầu tiên Hồng Ân được lên đội tuyển quốc gia và giành HCV đầy quý giá tại kỳ SEA Games trong sự nghiệp.

2. Sai sót ban đầu của tổ trọng tài trung gian dẫn đến cả hai đội đều khiếu nại, rồi kết quả bất nhất nói lên rằng trình độ của các trọng tài trong khu vực còn nhiều hạn chế. Trong nhiều tình huống phức tạp, họ không theo kịp, không cập nhật đầy đủ tinh thần cũng như luật mới. Vậy nên, trước SEA Games, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Thái Lan đã đề xuất không thuê trọng tài Đông Nam Á bắt tại SEA Games 32. "Các trọng tài Taekwondo Đông Nam Á lành nghề chỉ có ở Việt Nam, Philippines và Thái Lan còn trọng tài nước khác thì ít kinh nghiệm hơn", ông Pimol Srivikorn nói.

Trước đó, SEA Games cũng dậy sóng khi nhà vô địch thế giới, võ sĩ Junna Tsukii của Philippines đã kiên quyết không nhận Huy chương Bạc sau khi cho rằng trọng tài đã ưu ái Shahmalarani Chandran (Malaysia) ở trận chung kết môn Karate nội dung kumite 50 kg nữ.

Tại SEA Games 32, có hơn 3.000 trọng tài tham gia điều hành. Trong đó, trọng tài của Campuchia chiếm gần một nửa. Ngoài chuyên môn hạn chế, các trọng tài Đông Nam Á còn nặng tâm lý xem SEA Games là giải đấu thuộc khu vực “trũng” của thể thao thế giới nên hành xử còn thiếu chuyên nghiệp. Họ thường hiểu ngầm SEA Games tổ chức ở nước nào thì phải có “trách nhiệm” ưu ái vận động viên nước đó. Thành ra, đã có biết bao quyết định bất lợi cho các đoàn thể thao nước khác. Người hâm mộ điền kinh Đông Nam Á không khỏi bất bình khi Ban tổ chức môn điền kinh SEA Games 32 liên tục thay đổi lịch thi đấu khiến vận động Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam rơi vào thế khó chưa từng có.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.