Multimedia Đọc Báo in

SEA Games 32: Chờ những “mỏ vàng” phát lộ

08:36, 07/05/2023

Ngoài bóng đá nam và nữ, điền kinh, vật, bơi là những “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam (TTVN) ở các kỳ SEA Games gần đây. Trong bối cảnh nhiều môn tiềm năng của TTVN bị chủ nhà Campuchia cắt bỏ thì trọng trách của các môn mũi nhọn càng nặng nề hơn.

Trong khu vực Đông Nam Á, điền kinh Việt Nam đang ở ngôi vị chiếu trên khi hai kỳ SEA Games gần nhất, chúng ta đều xuất sắc vượt mặt kình địch Thái Lan để giành ngôi nhất toàn đoàn. Tiêu biểu là tại SEA Games 31, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam giành 22 Huy chương Vàng (HCV), 15 Huy chương Bạc (HCB) và 8 Huy chương Đồng (HCĐ).

Tuy nhiên, tại SEA Games 32 trên đất Campuchia, Đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành từ 15 - 17 HCV. Sở dĩ chỉ tiêu giảm như vậy bởi toàn đội đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: 5 vận động viên dương tính với doping (trong đó có 4 vận động viên giành HCV tại SEA Games 31) khiến họ không được quyền tham dự SEA Games 32. Đương kim vô địch nội dung 5.000 m và 10.000 m nam Nguyễn Văn Lai không được đăng ký dự đại hội bởi chân chạy 37 tuổi muốn thi đấu marathon mà thành tích ở nội dung này còn khiêm tốn. Ngoài ra, đương kim vô địch nội dung ném lao nữ Lò Thị Hoàng gặp chấn thương không kịp bình phục; "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh mới lấy lại được 80% thể lực sau chấn thương và dự kiến chỉ thi đấu nội dung tiếp sức...

Lê Tú Chinh (trái) trở lại đường đua và Nguyễn Thị Oanh vẫn là “mỏ vàng” của điền kinh Việt Nam.

Tại SEA Games 32, Đội tuyển điền kinh Việt Nam vẫn tập trung vào những mũi nhọn ở các nội dung của nữ, trong đó "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh được kỳ vọng bảo vệ thành công 3 HCV nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật và 5.000 m. Những niềm hy vọng vàng khác của điền kinh Việt Nam ở đại hội là Phạm Thị Hồng Lệ (10.000 m nữ), Nguyễn Thị Huyền (400 m nữ, 400 m rào nữ); Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam); Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp nữ)...

Cùng với điền kinh, một môn thể thao Olympic danh giá khác của đoàn TTVN là vật. Tại SEA Games 31, các đô vật của Việt Nam đã mang về tới 17 HCV ở các nội dung vật cổ điển và vật tự do.

Tại SEA Games 32, đội tuyển vật có chút thay đổi về lực lượng nhân sự khi "chủ công" Hà Văn Hiếu, người từng giành HCV hạng 130 kg nam ở nội dung vật cổ điển SEA Games 31 đã xin nghỉ chuyển sang công tác huấn luyện. Nhưng bù lại, đội tuyển vật cổ điển có hai sự bổ sung trẻ tiềm năng là Nguyễn Minh Huy (hạng 55 kg) và Nguyễn Công Mạnh (hạng 72 kg). Bên cạnh đó, đội tuyển vật Việt Nam cũng có bước “chạy đà” quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 32 với hai giải đấu gồm Cup các câu lạc bộ vật toàn quốc 2023 tại Thanh Hóa vào tháng 3 và Giải vô địch châu Á 2023 tại thành phố Astana (Kazakhstan) vào tháng 4.

Đội tuyển vật Việt Nam đặt mục tiêu giành 9 - 12 HCV. Đây là con số hợp lý trong bối cảnh đội tuyển phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các đối thủ cạnh tranh của vật Việt Nam tại SEA Games 32 như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia... đều có động thái nhập tịch, mang về nhiều vận động viên mạnh từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc nhằm cạnh tranh cho tấm HCV. Khó khăn tiếp theo, các đô vật Việt Nam phải đối diện là quy định từ ban tổ chức nước chủ nhà. Cũng như các môn võ khác, vật Việt Nam bị hạn chế tương đối nhiều nội dung tham dự.

Ở SEA Games 31, đội tuyển bơi Việt Nam đã giành 11 HCV, 1 HCB. Tại kỳ đại hội lần này, các kình ngư được giao mục tiêu giành từ 8 - 10 HCV. Việc cử lực lượng vận động viên khá hùng hậu sang tập huấn tại Hungary, tuyển bơi Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu ở SEA Games 32 mà xa hơn là đấu trường ASIAD vào tháng 9 và vòng loại tích điểm cho Olympic Paris 2024.

Cách đây 3 năm, bơi lội Việt Nam có hai vận động viên góp mặt ở Olympic Tokyo là Nguyễn Huy Hoàng (800 m, 1.500 m tự do) và cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Ánh Viên (200 m tự do, 800 m tự do). Một số nội dung thế mạnh của bơi Việt Nam bị cắt giảm, ảnh hưởng đến khả năng giành HCV của các vận động viên.

Tuy nhiên, không vì thế mà các kình ngư Việt Nam lơ là, mà sẽ phải dồn toàn lực vào các nội dung mỗi cá nhân vận động viên đăng ký tham dự. Ở SEA Games 31, tuyển bơi Việt Nam không có sự góp mặt của Ánh Viên, nhưng các kình ngư nam đã vươn lên mạnh mẽ và giúp đội tuyển bơi giành về 11 HCV, 11 HCB và 3 HCĐ. Đây cũng là số HCV nhiều nhất trong lịch sử các kỳ SEA Games mà đội từng tham dự.

Một kỳ SEA Games được nhận định sẽ rất khó khăn cho đoàn TTVN. Tuy nhiên, đã là “vàng” thì không sợ “lửa”. Hy vọng TTVN sẽ khẳng định được sức mạnh với vị trí top 3 toàn đoàn.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc