SEA Games 32: Cuộc thử sức ban đầu của đội tuyển U22 Việt Nam
Tuyển U22 Việt Nam đã giành tấm vé vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 32 ở bảng đấu “tử thần” sớm trước một vòng đấu mà không phải quyết đấu với kình địch Thái Lan ở trận cuối cùng. Hành trình đến với vòng loại trực tiếp của thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Troussier thuyết phục người hâm mộ qua từng trận, lối chơi được cải thiện, gắn kết, khởi sắc hơn.
Con đường vào bán kết của tuyển U22 Việt Nam khá suôn sẻ, lịch thi đấu thuận lợi khi chúng ta gặp từ đối thủ yếu nhất bảng là Lào đến những đối thủ có trình độ cao hơn: Singapore, Malaysia rồi Thái Lan. Điểm lại những thắng lợi của U22 Việt Nam, có thể thấy các học trò HLV Troussier đánh bại đối thủ theo những cách khác nhau. Trong trận ra quân gặp đội bóng yếu nhất bảng, mặc dù U22 Việt Nam vượt qua Lào với tỷ số 2-0, nhưng không làm người xem hài lòng. Những pha phối hợp rời rạc, đơn điệu, thiếu gắn kết dù “phù thủy trắng” đã tung hết những “quân bài” tốt nhất như Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt, Văn Đô vào sân. Các cơ hội của U22 Việt Nam chủ yếu đến từ các nỗ lực cá nhân. Và nếu không có sự xuất sắc của thủ thành Quan Văn Chuẩn thì chưa chắc U22 Việt Nam đã giữ sạch lưới. Trận đấu chỉ có thể làm khán giả hài lòng về mặt kết quả.
Tuyển U22 Việt Nam tiến bộ qua từng trận đấu. Ảnh: VFF |
Bước sang trận gặp đối thủ nhỉnh hơn Lào là Singapore, Việt Nam đã vượt qua với tỷ số 3-1. Đây được nhận định là chiến thắng khá dễ dàng, thuyết phục hơn trận trước, khi U22 Việt Nam áp đặt thế trận khá tốt, lối chơi được định hình rõ nét hơn. Tuyến tiền vệ với những gương mặt Đức Phú, Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Cường chơi thanh thoát, tự tin, hiệu quả hơn trong khâu kèm người, đánh chặn lẫn phát động tấn công. Các phương án tấn công của U22 Việt Nam cũng đa dạng hơn, khi thì đánh trung lộ, lúc thì đẩy bóng dài xuống hai biên, đặt đối phương vào thế bị động, phải rượt đuổi để đánh chặn trên khắp sân và lộ lỗ hổng trong phòng ngự để các tiền đạo ghi bàn. Pha ghi bàn mở tỷ số 1-0 của Văn Tùng là một ví dụ. Từ một tình huống phản công nhanh, Thanh Nhàn phối hợp nhanh với Văn Đô, trước lúc Văn Tùng kết thúc gọn gàng vào góc hẹp. “Điểm trừ” duy nhất của U22 Việt Nam trong trận đấu này là những sai lầm cá nhân của thủ thành Văn Chuẩn cũng như hậu vệ Tiến Long.
Cuộc đối đầu ở lượt trận áp chót với đối thủ đang bị dồn vào chân tường Malaysia khi đội bóng này buộc phải thắng mới có cơ hội đi tiếp đã chứng tỏ bản lĩnh của các cầu thủ trẻ. Trước một đối thủ có lối chơi khó chịu, thể lực sung mãn, U22 Việt Nam nhập cuộc tự tin, thắng chung cuộc 2-1. Kết quả mà theo nhận định chung của giới chuyên là “được” nhất sau ba lượt trận. Đội hình 3-4-3 được áp dụng từ đầu giải đấu đã vận hành khá trôi chảy.
Tất nhiên, dưới góc nhìn khắt khe, cầu toàn của một bộ phận khán giả cũng như giới chuyên môn thì hành trình giành tấm vé vào bán kết SEA Games 32 của U22 Việt Nam chưa hoàn toàn thuyết phục. Những cầu thủ trẻ còn bộc lộ những hạn chế, điểm yếu khi vẫn còn đó nhiều tình huống chuyền bóng sai địa chỉ, kết thúc vội vàng, sai lầm trong phòng ngự, chưa hiệu quả trong khâu dứt điểm... Song không vì thế mà phủ nhận những nỗ lực, phấn đấu, trưởng thành qua từng trận đấu của cả một tập thể bởi tất cả đã dốc toàn lực để có thể chiến thắng bản thân, vượt qua “cái bóng” quá lớn của các đàn anh và áp lực về thành tích mà “Phù thủy Park” để lại. Hãy thử nhìn lại, một thế hệ cầu thủ trẻ, mới được tập trung chưa đầy hai tháng, làm quen, tập luyện cùng nhau, được dẫn dắt bởi một HLV cũng chỉ vừa đảm nhận “chiếc ghế nóng” với những triết lý bóng đá châu Âu hiện đại, tư duy chiến thuật lạ lẫm… thì 9 điểm giành được qua 3 trận toàn thắng cho thấy tinh thần, quyết tâm, năng lực của lứa cầu thủ phần lớn chỉ ngồi dự bị ở V.League, thi đấu ở giải hạng Nhất và thậm chí là hạng Nhì như Minh Trọng.
Nhìn sự trưởng thành thấy rõ của các cầu thủ qua từng trận đấu, người hâm mộ có quyền kỳ vọng, đặt niềm tin vào một thế hệ cầu thủ có trình độ tương đồng, lối chơi tập thể, không quá phụ thuộc vào một cá nhân xuất sắc sẽ viết nên một trang mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thành công ấy có thể không đến nhanh chóng, trong “một sớm một chiều”, hoặc ngay tại SEA Games 32 này nhưng chúng ta cũng không phải thất vọng, vì mục tiêu của chúng ta quan trọng hơn, đó chính là World Cup 2026. Trước mắt chúng ta đừng quá đặt nặng thành tích, gây áp lực cho các cầu thủ trong cuộc đối đầu ở bán kết sắp đến mà hãy xem SEA Games 32 là sân chơi, đấu trường để các cầu thủ U22 “ra mắt”, trải nghiệm, cọ xát, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh chinh chiến nhằm tự tin hơn trước chặng đường chinh phục những giải đấu vượt khỏi quy mô khu vực Đông Nam Á.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc