Multimedia Đọc Báo in

Cái kết không có hậu của bóng đá Đông Nam Á

08:24, 02/10/2023

Người hâm mộ không còn quá buồn lòng với thành tích của đội tuyển Olympic Việt Nam khi bóng đá Đông Nam Á không có bất kỳ đội bóng nào góp mặt tại tứ kết ASIAD 19.

Đây là kỷ lục sau gần 29 năm, ASIAD 1994 cũng từng diễn ra tình cảnh này. Kể từ thời điểm đó, Đông Nam Á luôn có ít nhất một đại diện góp mặt ở tứ kết. Cụ thể, Thái Lan từng vào bán kết các năm 1998, 2002, 2014, tứ kết năm 2006, 2010 và Việt Nam vào bán kết tại ASIAD 18. Điều đó nhen lên hy vọng về sự vươn lên của khu vực vốn bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Thế nhưng niềm vui chẳng bao lâu và những giấc mơ vượt ngưỡng sớm khép lại.

Tại ASIAD 19, bóng đá Đông Nam Á có tới bốn đại diện góp mặt gồm Olympic Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Trong số này, Olympic Việt Nam là đội bị loại sớm nhất khi dừng chân ngay sau giai đoạn vòng bảng. Ba đại diện khác là Olympic Thái Lan, Indonesia và Myanmar đã vào vòng 1/8 và để thua tan nát.

Thật khó để lạc quan về một tương lai bứt phá khi hiện tại, khoảng cách của khu vực Đông Nam Á với những nền bóng đá tiên tiến ở châu Á vẫn quá lớn.

Bóng đá nữ cũng không khá hơn khi cả ba "chị đại" là Việt Nam, Philippines, Thái Lan đều không để lại nhiều dấu ấn trước các đội bóng hàng đầu châu lục. Thầy trò HLV Mai Đức Chung để thua 0-7 trước nữ Nhật Bản và bị loại, bất chấp hai trận thắng trước đó. May mắn hơn, nữ Thái Lan lọt vào tứ kết nhưng để nữ Trung Quốc dễ dàng đánh bại với tỷ số 4-0. Đội đương kim vô địch Đông Nam Á (AFF Cup nữ) Philippines bị Nhật Bản hủy diệt với tỷ số 1-8, với 5 trong số đó diễn ra ở 18 phút cuối. Có nghĩa là hai đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á và từng tham dự World Cup nữ 2023 phải nhận tới 15 bàn thua trước cùng một đối thủ. Chưa hết, đối thủ ấy không dùng đến đội hình mạnh nhất, mang tới Hàng Châu có 14 nữ cầu thủ thuộc lứa U23.

Đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 29.

Việc bóng đá nữ Đông Nam Á dừng bước trước bán kết không phải điều gì mới mẻ (Việt Nam năm 2014 là đội duy nhất từng đi tới bán kết trong 8 kỳ ASIAD đã qua), nhưng các thất bại kinh hoàng vẫn gây sốc. Những gì xảy ra ở ASIAD 19 nhắc nhở rằng dù có một số bước tiến nhưng bóng đá nữ khu vực ASEAN vẫn có cách biệt quá lớn so với các nền bóng đá tiên tiến của châu lục.

Bóng đá nam cũng không khác, cho dù các đội có đưa ra lý do sử dụng đội ngũ trẻ hơn quy định. Tuy một sự kiện là không đủ để kết luận, song ASIAD 19 là lời cảnh báo nghiêm khắc cho Đông Nam Á. Từ Philippines, Myanmar đến Indonesia, Malaysia và Việt Nam, Thái Lan, tất cả có rất nhiều việc phải làm để đưa bóng đá tiến lên. Ước mơ và hiện thực là một khoảng cách xa, thậm chí không thể lấp đầy trong tương lai gần.

Trong các yếu điểm của bóng đá khu vực, cả nam lẫn nữ, hạn chế về thể hình, thể lực là cốt tử. Cầu thủ Đông Nam Á quá bé nhỏ so với các đội bóng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tư duy, trình độ chơi bóng càng có khoảng cách quá xa. Các đội tuyển bóng đá khu vực ASEAN cần phải được cọ xát môi trường thi đấu đỉnh cao nhiều hơn nữa. Sự đầu tư tiền bạc, công nghệ cũng phải tăng lên vượt bậc, bởi bóng đá hiện đại không có tiền khó làm nên đại sự.

Nếu vẫn phát triển với tư duy như lâu nay, thể thao Đông Nam Á nói chung, bóng đá nói riêng sẽ còn lâu mới bắt kịp mặt bằng chung thế giới.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.