Multimedia Đọc Báo in

Ngành thể thao cần có tầm nhìn chiến lược

08:31, 03/10/2023

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) năm 2023 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã đi được hơn nửa chặng đường thi đấu. Nhiều nước Đông Nam Á ghi dấu ấn trong khi chúng ta đang chật vật với mục tiêu 2 - 5 Huy chương Vàng (HCV), cho thấy dấu hiệu Việt Nam tụt hậu ở đấu trường châu lục.

Tại Đông Nam Á, chúng ta luôn giữ vị trí dẫn đầu hoặc tốp 3 ở SEA Games nhưng bước ra đấu trường lớn tầm châu lục đang bị Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore bỏ xa trên bảng xếp hạng huy chương. Người hâm mộ đang dự cảm một kỳ ASIAD 19 khó tránh khỏi thất bại của thể thao Việt Nam khi chỉ tiêu đề ra chưa đạt được. Trong khi đó, đoàn Thái Lan đã giành trên 10 HCV, lọt vào tốp 5 trên bảng xếp hạng. Đoàn Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines đã cơ bản đạt chỉ tiêu.

Ở hai kỳ gần nhất SEA Games 31 và 32, trên sân nhà và tại Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam liên tiếp dẫn đầu khu vực. Cụ thể, tại SEA Games 31 năm 2022, với lợi thế chủ nhà, chúng ta không chỉ áp đảo trên bảng tổng sắp huy chương (205 Vàng, 125 Bạc, 116 Đồng) mà còn lập kỷ lục về số lượng HCV giành được trong một kỳ đại hội. Nhưng lần này ra sân chơi tầm châu lục, thể thao Việt Nam đã bị một loạt các nước trong khu vực qua mặt ngay từ nửa hành trình ASIAD 19.

Không phải đến thời điểm này giới mộ điệu hay các chuyên gia mới nhìn ra vấn đề. Nhưng cũng như bóng đá, thể thao chung của chúng ta cần quyết liệt làm mới nếu muốn theo đuổi những mục tiêu cao hơn.

Niềm hy vọng vàng Nguyễn Thị Oanh (áo vàng) đã không thành hiện thực.

Ở môn bóng đá nam, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) gần như chấp nhận “đập đi, xây lại” với Huấn luyện viên (HLV) Troussier. Đáng chú ý, VFF quyết tâm làm mới ngay sau giai đoạn gặt hái thành công vang dội cùng HLV Park Hang-seo. Họ tin rằng sức mạnh của tuyển Việt Nam đã đến điểm giới hạn với HLV người Hàn Quốc và sẽ đi tụt lùi nếu không cải tổ toàn diện.

HLV Troussier thành công hay không là câu chuyện của tương lai. Nhưng ít nhất, VFF đã dám thay đổi để hướng đến mục tiêu cao hơn, tầm vóc lớn hơn. Kể từ khi nhậm chức, HLV người Pháp luôn nhấn mạnh mục tiêu đưa tuyển Việt Nam lên tầm các đại gia châu Á với lối chơi kiểm soát bóng - lối chơi chủ động của các đội bóng có thực lực.

Tương tự như vậy, ngành thể thao cần phải chấp nhận các “cơn đau đột ngột” nếu muốn hướng đến các sân chơi tầm cỡ hơn như ASIAD hay Olympic. Tất nhiên, SEA Games luôn có một vị trí quan trọng, và Việt Nam không thể bỏ qua các môn thể thao mang tính chất khu vực.

Chúng ta cần thay đổi triệt để ở các môn thể thao Olympic, ngay từ khâu tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn. Tất cả cần có một kế hoạch, lộ trình phát triển bài bản, đồng bộ từ cấp thấp nhất.

Tất nhiên, đó là bài toán không đơn giản. Nhưng mọi thứ sẽ không thể bắt đầu nếu thiếu người khởi xướng. Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần đánh giá toàn diện và đưa ra giải pháp quyết liệt cho tương lai để tránh cảnh trắng tay như ở Olympic Tokyo 2021. Olympic Tokyo 2021 đánh dấu kỳ thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam không thể giành huy chương nào kể từ năm 2004. Tại Nhật Bản, đoàn Việt Nam có tổng cộng 18 vận động viên tranh tài 11 môn thể thao khác nhau. Đây là con số không tệ nhưng các vận động viên của chúng ta không thể gặt hái thành tích như mong đợi.

Đến Paris 2024, điều này rất có thể sẽ lặp lại một lần nữa khi thể thao Việt Nam không xuất hiện “thần đồng” nào trong vòng 2 năm qua. Ở những môn khó khăn như bơi lội, kình ngư số 1 Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng cũng chỉ dám đặt mục tiêu lọt vào top 8 - tức được thi chung kết. Tương tự như vậy, hầu hết các môn thể thao khác, việc có vé dự Olympic đã là thành công với vận động viên Việt Nam.

Lúc này, ngành thể thao chắc đang thấm thía lời ví của dư luận sẵn sàng đánh đổi hàng chục huy chương SEA Games 32 để lấy vài HCV ASIAD và Olympic.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc