Multimedia Đọc Báo in

“Duyên nợ” với quả bóng tròn

10:52, 27/11/2023

Như một mối lương duyên với quả bóng tròn, sau khi giã từ nghiệp “quần đùi áo số”, các cựu cầu thủ chuyên nghiệp vẫn trở lại sân cỏ bằng những cách khác nhau, vừa để tìm niềm vui, vừa giữ trọn tình yêu với bộ môn thể thao mà mình đã chọn.

Tại Cúp bóng đá 7 người quốc gia 2023 đang diễn ra, cựu thủ thành tài năng của Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk Ngô Văn Nhựt đã trở lại trong màu áo của nhà đương kim vô địch Xổ số kiến thiết Đắk Lắk.

Thủ thành Ngô Văn Nhựt trưởng thành từ tuyến năng khiếu của Đắk Lắk, sau khi đội bóng Đắk Lắk thăng hạng năm 2013, anh là cái tên không thể thay thế trong danh sách ra sân của đội. Không có thể hình lý tưởng, song bù lại Ngô Văn Nhựt có phản xạ nhanh nhẹn, ra vào hợp lý trong khu vực cấm địa, bắt bóng hiệu quả. Sự hiện diện của Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk tại Giải hạng Nhất quốc gia trong 10 năm (2013 - 2022) có sự đóng góp không nhỏ của thủ thành quê Krông Năng này.

Thủ thành Ngô Văn Nhựt (thứ hai từ trái sang) trong màu áo Xổ số kiến thiết Đắk Lắk thi đấu tại Cúp bóng đá 7 người quốc gia 2023.

Năm 2023, khi bước sang tuổi 34, cảm nhận gánh nặng tuổi tác không cho phép đeo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp, Nhựt giải nghệ và mở Trung tâm bóng đá cộng đồng tại TP. Buôn Ma Thuột, đào tạo học viên, ươm mầm tài năng cho bóng đá tỉnh nhà. “Tôi muốn tạo một sân chơi bài bản, quy tụ những em nhỏ yêu thích quả bóng tròn để huấn luyện khoa học, có khả năng phát triển tài năng, nhất là các thủ môn. Đó cũng như là cái cách mà tôi tiếp tục gắn bó với bóng đá, thỏa niềm đam mê của mình”, Nhựt tâm sự. Bên cạnh đó, thời gian rỗi anh cũng sẵn sàng nhận lời khoác áo các đội bóng, tham gia tranh tài tại những giải đấu, sân chơi trong tỉnh và toàn quốc.

Một cái tên rất quen thuộc với cổ động viên bóng đá tỉnh nhà đó là Y Thăng Êban - tiền đạo có khả năng săn bàn sát thủ, từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới Giải hạng Nhất quốc gia mùa bóng 2018 với 15 lần sút tung lưới đối phương chỉ sau 14 trận ra sân. Sau hơn 10 năm gắn bó trong màu áo Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk, năm 2020, Y Thăng Êban quyết định “về vườn”,  gắn bó với công việc “săn” tài năng trẻ, nhất là với người dân tộc Êđê tại các giải đấu phong trào. Như con ong làm việc cần mẫn, anh hiện diện, quan sát các trận tranh tài ở những giải phong trào, phát hiện, giới thiệu những nhân tố nổi trội cho Huấn luyện viên Dương Nam đang đảm nhận các đội tuyển năng khiếu của Đắk Lắk để huấn luyện, đào tạo. Bên cạnh đó, Y Thăng Êban cũng có thêm nguồn thu nhập bằng chính khả năng của mình tại sân bóng 7 người, khoác áo đội bóng của ông bầu Y Thơ Hwing là Tây Nguyên FC chinh phục các giải đấu.

Cựu tiền đạo Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk Y Thăng Êban sau khi chia tay sự nghiệp vẫn gắn bó với bóng đá sân 7 người.

Cũng xuất thân là cựu cầu thủ chuyên nghiệp, đồng đội của Ngô Văn Nhựt, Y Thăng Êban ở Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk, các chân sút Xuân Thi, Ngọc Vũ, Xuân Dương sau khi giải nghệ đều có thể sống được với nghề bằng các bản hợp đồng ngắn hạn, với những đội bóng khác nhau chinh chiến tại nhiều giải đấu. Hiện bộ ba này đang khoác áo tân binh Tuấn Vũ FC, một thế lực mới của làng bóng đá sân 7 người tranh tài tại Cúp bóng đá 7 người quốc gia do Đắk Lắk đăng cai tổ chức.

Những cựu tuyển thủ chuyên nghiệp khác, cựu thủ thành đội tuyển futsal quốc gia, từng góp mặt tại giải  FIFA Futsal như Ngô Văn Thuận, Nguyễn Văn Hiếu cũng trở lại sân bóng đá 7 người, khoác áo hàng loạt đội bóng tên tuổi của các doanh nghiệp, với mức lương khá tốt để “sống vui, sống khỏe” bằng chính khả năng của mình.

Với cổ động viên thì sự góp mặt của các cầu thủ chuyên nghiệp luôn được chào đón nồng nhiệt, bởi họ được tiếp tục đồng hành, theo dõi, cổ vũ những cầu thủ mà mình yêu thích, mến mộ.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.