Multimedia Đọc Báo in

Thể thao phong trào “hút” nhà tài trợ

08:40, 01/11/2023

Một nghịch lý hiện nay là trong khi hệ thống các giải thể thao chuyên nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút nhà tài trợ, thì ngược lại những giải phong trào lại dễ huy động nguồn tài trợ với những phần thưởng giá trị hấp dẫn.

Tại giải bóng đá phong trào, tranh cúp tứ hùng vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, ông bầu của Câu lạc bộ Bóng đá Xổ số kiến thiết Đắk Lắk Trương Nguyễn Thành Đạt đã quyết định chi số tiền thưởng dành cho đội vô địch lên đến 20 triệu đồng. Con số này tương đương với tiền thưởng của một giải thể thao chuyên nghiệp, quy mô quốc gia là giải bóng chuyền hạng A toàn quốc 2023 vừa diễn ra tại Đắk Lắk mà đội vô địch nam Vĩnh Long nhận được.

Đông đảo khán giả đến theo dõi một giải bóng đá phong trào được tổ chức tại sân bóng Trường Đại học Tây Nguyên.

Còn tại Giải cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Đắk Lắk mở rộng năm 2023 vừa diễn ra, ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, nhà tài trợ cũng hào phóng tặng các vận động viên thuộc nhóm 4 (từ 18 - 30 tuổi), nhóm 5 (từ 31 - 40 tuổi) đoạt giải Nhất, mỗi tay vợt một dây chuyền trang sức trị giá 20 triệu đồng. Trước đó, tại giải cầu lông học sinh mở rộng do một cửa hàng thể thao đứng ra tổ chức trong dịp hè, tổng giá trị tiền thưởng, kinh phí tổ chức huy động được lên đến 200 triệu đồng.

Trong khi đó, một giải bóng chuyền quy mô cấp câu lạc bộ, Giải bóng chuyền Câu lạc bộ Tuổi trẻ và Đam mê (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức thường niên thì tổng giá trị tiền thưởng cũng là 10 triệu đồng, trong đó riêng tiền thưởng cho đội vô địch là 5 triệu đồng. Kinh phí cũng là do Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Thanh Thiện vận động các nhà tài trợ ủng hộ để duy trì, tạo sân chơi cho tất cả câu lạc bộ trong, ngoài tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi chuyên môn. Cũng cần phải lưu ý rằng, mức tiền thưởng cho các vận động viên đoạt các danh hiệu cá nhân của giải này cũng tương đương với những cầu thủ đoạt danh hiệu cá nhân tại Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2023.

Riêng bộ môn bóng bàn thì vừa nhận được sự tài trợ “khủng” của Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk với mức tài trợ lên đến 100 triệu đồng/năm để Liên đoàn Bóng bàn tổ chức các giải phong trào. Đáng lưu ý là mức tài trợ này kéo dài đến 5 năm, từ năm 2023 – 2028 với tổng trị giá 500 triệu đồng, một con số mà bất cứ một giải thể thao chuyên nghiệp nào cũng mơ ước có được.

Không khí tranh tài sôi nổi tại Giải bóng bàn tỉnh Đắk Lắk, bộ môn nhận được tài trợ mỗi năm 100 triệu đồng, liên tục trong 5 năm.

Đi tìm lời giải nguyên nhân vì sao các giải phong trào lại có thể khiến nhà tài trợ sẵn sàng chi mạnh tay cho việc tổ chức, trao giải thì đều có đáp án chung: đó chính là sự vô tư, trong sáng, trung thực của cuộc chơi kèm theo tính minh bạch, công khai của đơn vị tổ chức. Đó là yếu tố tiên quyết để họ đưa ra quyết định tài trợ mà không hề đòi hỏi một quyền lợi gì. Chị Đinh Thị Thúy Ngọc, một nhà tài trợ quen thuộc, góp mặt ở tất cả các sân chơi phong trào từ bóng đá, cầu lông, bóng bàn đến cả bóng chuyền chia sẻ, ngoài nguyên nhân trên thì thể thao phong trào cũng dễ tiếp cận với khán giả và có sức lan tỏa mạnh hơn, được những người yêu mến bộ môn thể thao đó quan tâm, theo dõi, hoặc có thể trực tiếp tham gia tranh tài. Và các doanh nghiệp, vốn là những tín đồ của môn thể thao, giải đấu đó sẵn sàng đồng hành cùng đơn vị tổ chức để thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển sôi nổi hơn trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi.

Nhờ sự hậu thuẫn của các nhà tài trợ, với giá trị trao thưởng cao mà chất lượng các giải thể thao phong trào được nâng lên khi thu hút được những vận động viên, đội thể thao phong trào mạnh nhất tham gia tranh tài cùng sự quan tâm cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cũng đã góp phần san sẻ, giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước, thiết thực hưởng ứng thực hiện xã hội hóa thể dục thể thao, dần tiến đến mục tiêu thể thao phong trào hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính, kinh phí.

Nhìn từ việc các doanh nghiệp luôn sẵn sàng nhận tài trợ cho giải phong trào, đã đến lúc đặt câu hỏi tại sao các giải thể thao chuyên nghiệp lại chưa thu hút nhà tài trợ để có thêm nguồn lực tổ chức, tăng thêm số tiền thưởng, động viên vận động viên thi đấu. Phải chăng là giải đấu chưa đủ uy tín, chất lượng; hay công tác truyền thông, quảng bá cho giải đấu chưa được chú trọng đúng mức, hoặc cũng có thể xuất phát từ tâm lý giải đấu đã được cấp kinh phí, ngân sách? Chỉ khi nào nguyên nhân được chỉ rõ và ban tổ chức các giải chuyên nghiệp tìm ra giải pháp hiệu quả khắc phục thì lúc ấy các doanh nghiệp mới sẵn sàng "bắt tay", tài trợ cho các giải thể thao chuyên nghiệp.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.