Thể thao Việt Nam cần sức bật mới
Thể thao Việt Nam dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương ở hai kỳ SEA Games liên tiếp nhưng không thành công tại ASIAD 19 và Olympic 2024. Thực trạng này đặt ra bài toán cần tạo sức bật mới để thể thao Việt Nam phát triển đúng kỳ vọng.
Những thăng trầm
Nhìn lại năm 2024 của thể thao Việt Nam (TTVN), có thể kể những chiến tích quan trọng: lần đầu tiên đội tuyển Futsal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; xạ thủ bắn súng Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với hai lần vào chung kết ở hai nội dung 10 m súng ngắn hơi và 25 m súng ngắn thể thao tại Olympic Paris 2024; đội tuyển bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành Huy chương Đồng (HCĐ) thế giới và lần thứ hai giành Huy chương Vàng (HCV) Cúp bóng chuyền châu Á.
Tại Olympic Paris 2024, TTVN có 16 vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài. Tuy không đạt được huy chương nhưng các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình, thông số thành tích của hầu hết VĐV ở các môn như: rowing, bắn súng, bắn cung, xe đạp… được cải thiện. Các môn đối kháng trực tiếp như cầu lông, boxing cũng thể hiện được nhiều dấu ấn. Còn ở Paralympic Paris 2024 đã có 7 VĐV vượt qua vòng loại; lực sĩ cử tạ Lê Văn Công giành được HCĐ với thành tích 171 kg.
Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã có một kỳ Olympic Paris 2024 đầy ấn tượng. |
Việc không đoạt được huy chương tại Olympic Paris 2024 cho thấy công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trọng điểm để tranh chấp huy chương tại cấp độ thế giới chưa đạt yêu cầu đề ra. Lực lượng VĐV mỏng, đội ngũ huấn luyện viên (HLV) còn hạn chế; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo VĐV còn thiếu, lạc hậu. Điều này đã tạo ra giới hạn cho công tác huấn luyện, thành tích của các VĐV.
Hơn 4 thập kỷ trôi qua, TTVN đã tham dự 10 kỳ Olympic. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của TTVN có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cần sức bật mới
Những vấn đề trên cho thấy TTVN đã chững lại so với đà phát triển của thể thao châu lục. Đâu là nguyên nhân khiến TTVN “hụt hơi” ở đấu trường lớn? Theo dõi quá trình phát triển có thể thấy, mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của TTVN là nguồn lực và chiến lược đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, TTVN không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ, và khi đó kết quả mới tương xứng.
Trước thực trạng của TTVN, mới đây, Cục Thể dục - Thể thao tổ chức hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Hội nghị chỉ rõ bất cập, đưa ra giải pháp và những mục tiêu đáng chú ý tại sân chơi SEA Games, ASIAD và Olympic. Theo đó, TTVN giữ vị trí top 3 toàn đoàn, top 2 ở các môn Olympic với đấu trường SEA Games. Với ASIAD 20 (Aichi - Nagoya 2026), Việt Nam phấn đấu giành 5 - 6 HCV, giành 7 - 8 HCV tại ASIAD 21 (Doha 2030). Với đấu trường Olympic 2026, Việt Nam phấn đấu có từ 15 - 18 VĐV vượt qua vòng loại, ở các môn xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Còn tại Olympic 2028 phấn đấu có 20 VĐV vượt qua vòng loại.
Thực tế, đó là những mục tiêu phù hợp. Tuy nhiên, để cụ thể hóa, TTVN phải quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV tại ASIAD 20 và các kỳ Olympic 2026, 2028. Việt Nam từng giành huy chương Olympic ở môn bắn súng, taekwondo và cử tạ; giành HCV ASIAD các môn điền kinh và rowing; giành HCV châu lục và giành suất tham dự Olympic ở các môn xe đạp, bắn cung, bơi... Nếu có chiến lược phù hợp các môn, nội dung trọng điểm, Việt Nam có thể xây dựng lực lượng VĐV mạnh, đủ sức cạnh tranh ở đấu trường Olympic và ASIAD.
Tựu trung, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng lớn ở mọi cấp độ, TTVN cần có những giải pháp hữu hiệu và hành động thật sự quyết liệt để tạo nên sức bật mới, đưa thành tích dần tiếp cận tầm châu lục và thế giới.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc