V.League: Cần “vá” ngay những “lỗ hổng”
Khép lại lượt đi, V.League 2024 - 2025 đã manh nha những "lỗ hổng" khi lại “nóng” chuyện trọng tài, phản ứng từ các huấn luyện viên và văn hóa cổ vũ trên khán đài.
1.Nhìn lại sẽ thấy V.League nhiều năm qua khâu yếu nhất vẫn là công tác trọng tài. Đội ngũ "cầm cân nảy mực" nhiều lúc không nhận được niềm tin từ phía các đội bóng, niềm tin không phải về chuyên môn mà là tư tưởng. Chính vì thế, trước đây ban tổ chức giải đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thuê trọng tài ngoại về điều hành. Đấy là nỗi đau, là điều phi lý bởi chất lượng trọng tài ngoại được đánh giá không hơn nội. Sự khác biệt là các đội bóng tin… trọng tài ngoại hơn.
Trong bối cảnh đó, công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee - VAR) được đưa vào áp dụng. Cần nhận thấy rằng, đây là nỗ lực của ban tổ chức để nâng cao chất lượng của V.League. Dù chưa thật sự trơn tru trong vận hành nhưng không thể phủ nhận VAR đã hạn chế được các tranh cãi và sai sót của trọng tài. Khi có VAR, các tình huống ảnh hưởng đến diễn biến trận đấu đều được can thiệp triệt để, mang lại sự an tâm cho người hâm mộ.
![]() |
V.League lại “nóng” vấn đề trọng tài. |
Tuy vậy, cũng cần lưu ý, VAR không thể thay thế con người, tức trọng tài. Nếu đội ngũ trọng tài không chuyên nghiệp, yếu năng lực, kém bản lĩnh, "cái đầu" chưa thông thì rất có thể VAR lại phản tác dụng. Có nghĩa, tư tưởng các trọng tài đóng vai trò quyết định. Nếu đội ngũ "cầm cân nảy mực" chưa thực sự công bằng và có trách nhiệm thì VAR cũng không giải quyết được phần gốc. Bởi vậy, nên triệt tiêu ngay tư tưởng: Trông chờ vào VAR và nếu có sai sót gì đã có VAR chịu! Đã mùa giải thứ ba V.League sử dụng công nghệ VAR. Đấy là bước ngoặt về công nghệ, song nếu mỗi trọng tài không "nâng cấp" bản thân thì VAR cũng khó phát huy giá trị.
2.Không chỉ “nóng” chuyện trọng tài, những phản ứng thái quá của một số cầu thủ, huấn luyện viên hay cổ động viên cũng để lại nhiều suy nghĩ. Sân cỏ nước nhà muốn cải thiện được hình ảnh theo chiều hướng tốt lên, tất cả phải hành xử một cách chuyên nghiệp. Bạo lực sân cỏ, tranh cãi trọng tài, biểu hiện các dạng thức tiêu cực… phải xóa bỏ ngay từ ý thức. Làm sao đừng để các vấn nạn trên trở thành “đặc sản” V.League như điều tiếng lâu nay. Các vị “vua sân cỏ” phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách nghiêm minh và trung thực nhất. Bản thân ban tổ chức cũng cần chủ động mọi phương án ứng biến và nâng tầm công tác tổ chức, điều hành.
Đã 25 năm bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, để văn hóa cổ vũ bóng đá cũng như sự chấp hành luật chơi của các câu lạc bộ được cải thiện, trước hết những chủ thể tham gia hoạt động bóng đá phải thể hiện được tính chuyên nghiệp. Mặt khác, các câu lạc bộ cần tương tác nhiều hơn với cổ động viên để cùng phát triển hình ảnh chung của đội bóng. Cuối cùng, ban kỷ luật cùng pháp luật phải nặng tay hơn với các hành vi vi phạm pháp luật mang danh cổ vũ bóng đá.
Bóng đá cần khán giả, V.League cần phải "tựa lưng" vào khán đài để tồn tại. Muốn có sức sống đó, trước hết mỗi đội bóng, mỗi cầu thủ biết phải làm gì để không phụ lòng người hâm mộ. Khán giả đến sân ngoài yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu cống hiến, trung thực, chuyên môn cao còn có nhu cầu để giải trí với hình ảnh đẹp, lối chơi cao thượng.
VFF, VPF, các câu lạc bộ và mỗi cầu thủ hẳn đã "thấm" bài học từ nhiều năm qua để biết trọng nghề, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm cho mùa giải về đích an toàn, chất lượng.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc