Vận hội mới, thách thức mới
Những năm gần đây, với việc định hướng đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Olympic và ASIAD, thể thao thành tích cao nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực.
1. Mới đây, ngành thể thao đã tổ chức hội thảo góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 - 2046. Đây được xem là một "hội nghị Diên Hồng" nữa của thể thao Việt Nam (TTVN), thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, các đơn vị chuyên môn đã định hình 17 môn sẽ tập trung đầu tư trong chương trình trọng điểm. Việc xác định 17 môn này không khó, vì đã có sẵn ở chương trình thi đấu truyền thống của Olympic và ASIAD. Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề không đơn giản chỉ là chuyện chọn môn này, bỏ môn kia mà là phải xác định "môn trọng điểm" ở tiêu chí: TTVN đáp ứng được điều kiện để xây dựng, lan tỏa, phát triển và có được thành tích hay không?
Chưa kể, nếu chúng ta cứ mặc định các môn tiêu chuẩn Olympic để đầu tư "trọng điểm" thì sẽ có thể làm "mất chỗ" của các môn mới, nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh và được đưa vào thi đấu Olympic hay ASIAD trong tương lai. Bên cạnh đó, chưa lấy gì bảo đảm các môn tiêu chuẩn sẽ có thành tích kể cả được đầu tư mạnh. Hơn nữa, một khi yếu tố tài chính vẫn đang là một trở ngại thì tính toán không kỹ sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư không đến nơi đến chốn, thậm chí lãng phí.
![]() |
Bóng chuyền là môn thể thao được xã hội hóa mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ảnh: Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam |
Chính vì thế, chỉ riêng việc xác định thế nào là môn thể thao "trọng điểm" cũng cần phải bàn thảo kỹ càng, nghiêm túc để có một "bộ tiêu chí" theo đặc thù của TTVN trước khi quyết định chọn lựa đưa vào danh mục để nhà nước đầu tư, môn nào sẽ thực hiện theo phương châm xã hội hóa thể thao. Điều quan trọng và cốt lõi nhất phải tổng hòa được các yếu tố từ cơ chế đầu tư, tiềm năng sản sinh tài năng. Làm sao để những môn thể thao như thế phát triển về độ rộng phong trào và sự phù hợp thể chất của người Việt Nam.
2. Đến nay, nhiều tổ chức xã hội về thể dục thể thao vẫn chưa thể gánh vác được công tác đào tạo vận động viên. Những nhìn nhận về xã hội hóa các hoạt động thể thao thành tích cao cũng đang thiếu nhất quán. Trong khi đó, việc tổ chức các đợt tập huấn quốc tế luôn đòi hỏi kinh phí lớn, hạn chế về số lượng tham gia nên không phải là giải pháp có tính ổn định và lâu dài. Rào cản về ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng khiến đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình tập huấn, học tập ở nước ngoài. Trong khi đó, việc thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia bị hạn chế về tiền lương nên rất khó có thể mời được những chuyên gia giàu kinh nghiệm và năng lực huấn luyện vận động viên ở trình độ Olympic.
Việc đầu tư phát triển dàn trải, chưa có chiều sâu, sự bài bản, dài hạn và tính kế thừa cao để chuẩn bị cho đấu trường ASIAD, Olympic khiến thành tích của TTVN còn nhiều hạn chế. Thể thao thế giới hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao, yêu cầu phải xây dựng kế hoạch lâu dài và có sự đầu tư, điều chỉnh nguồn lực cho thể thao thành tích cao nếu muốn nâng cao thành tích và ghi tên trên bản đồ thể thao thế giới.
Trong tương lai gần, việc sáp nhập các tỉnh thành cũng như yêu cầu về tinh gọn bộ máy thể thao cũng sẽ tác động đến các định hướng về "đầu tư trọng điểm" cho phát triển. Khi quy mô và nguồn lực của một số địa phương tăng lên sau sáp nhập thì có thể "khoán" cho một vài địa phương có đủ tiềm lực phát triển riêng một số môn. Quan trọng hơn, vẫn là câu chuyện về thể thao chuyên nghiệp được xã hội hóa sâu rộng như chiếc “chìa khóa” để giải mọi bài toán về đầu tư và nguồn nhân lực.
Tựu trung, cần nhanh chóng có những hướng đi mang tính đột phá cùng giải pháp đồng bộ, ổn định lâu dài để nâng tầm chất lượng thể thao nước nhà.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc