Multimedia Đọc Báo in

Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên

18:20, 06/08/2021

Chiều ngày 6-8, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021, với sự tham dự của trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

ảnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Theo báo cáo của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công thương và của các địa phương, lượng hàng nông - thủy sản vào vụ thu hoạch của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên rất lớn. Tuy nhiên, việc cung ứng và tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn, cung cầu bất cân xứng do thiếu lao động thu hoạch, chế biến; vận chuyển, lưu thông gặp khó do yêu cầu siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; nhu cầu tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, một số tỉnh như Đồng Nai có khả năng cung ứng lượng lớn thịt lợn (63.000 tấn), thịt gà (1.300 tấn), nhưng cần bổ sung gạo tẻ, rau củ quả và dầu ăn; Long An có lượng dự trữ hàng hóa lớn, có thể cung cấp cho thị trường các sản phẩm như gạo (2.200 tấn), rau củ và dầu ăn; Đắk Lắk có nhu cầu cung ứng và xuất khẩu số lượng lớn các sản phẩm như cà phê (450.000 tấn), hồ tiêu (77.000 tấn), sầu riêng (50.000 tấn)...

Tại phiên hội nghị toàn thể, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc đối với tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gần đây, hướng giải quyết và đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành.

Đại diện các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối truyền thống và sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua chế biến, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ những giải pháp cải thiện tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông sản, thủy sản, đặc biệt là những sản phẩm tới vụ thu hoạch có số lượng lớn của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ một cách chủ động, căn cơ, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương rà soát lại sản lượng các loại nông sản và phối hợp với Tổ công tác, các bộ, ngành để được tư vấn, hỗ trợ.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước với gần 100 triệu người tiêu dùng làm trọng tâm tiêu thụ nông sản, thủy - hải sản. Song song đó, vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng ra các thị trường tiềm năng. Đặc biệt, các địa phương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại để giảm tải cho việc tiêu thụ nông sản tươi; duy trì hoạt động các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ truyền thống; ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản…

Sau phiên hội nghị toàn thể, liên tục trong hai ngày 9 và 10-8, Bộ Công thương sẽ tiến hành các phiên giao thương kết hợp tư vấn phát triển thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp.

Minh Thuận
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.