Multimedia Đọc Báo in

“Áo xanh” hỗ trợ người dân Cư M’gar trong thời điểm giãn cách xã hội

17:33, 20/09/2021

Giữa lúc dịch COVID-19 căng thẳng, hình ảnh thanh niên tình nguyện không ngại nắng mưa, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để xông xáo trên các vườn cây, giúp bà con nông dân thu hoạch nông sản, lặn lội đi giao bài tập đến tận nhà cho các em học sinh… trên địa bàn huyện Cư M’gar đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mọi người.

Giúp dân thu hoạch nông sản

Nông dân huyện Cư M’gar đang vào vụ thu hoạch bơ booth. Năm nay, giá thấp cộng với đầu ra khó khăn do dịch bệnh COVID-19 khiến nông dân sốt ruột, lo lắng. Từ đầu vụ đến nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực liên kết với các doanh nghiệp, đầu mối thu mua để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho bà con.

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn có chút phấn khởi hơn vì nông sản bước đầu đã có đầu ra, nhưng vẫn chưa hết nỗi lo. Gia đình chị Vũ Thị Hoa (thôn 7, xã Ea Kpam) có trồng 100 cây bơ booth xen trong vườn cà phê. Dịch bệnh, việc tìm người thu hái khó khăn, trong khi nếu thu hái không kịp thì sẽ bị rụng trái cộng với côn trùng cắn phá… khiến sản lượng hao hụt nhiều.

Đoàn viên thanh niên xã Ea Kpam giúp dân thu hoạch bơ booth
Đoàn viên, thanh niên xã Ea Kpam giúp dân thu hoạch bơ booth.

Nỗi lo của người trồng bơ như chị Hoa tạm vơi đi khi Đoàn thanh niên xã Ea Kpam kịp thời kêu gọi đoàn viên, thanh niên đến hỗ trợ người dân trên địa bàn thu hoạch nông sản. Những ngày này, từ sáng sớm, đoàn viên, thanh niên đã có mặt tại các vườn cây của nông dân, người leo cây để lựa hái quả, người đứng dưới thu gom, rồi khuân vác, vận chuyển đến điểm tập kết. Sau đó, cho ra đệm để phân loại, đóng thành từng thùng để chuyển đi tiêu thụ.

Chị Hoa chia sẻ, nhờ sự trợ giúp của đoàn viên thanh niên, chỉ 1 ngày, 5,5 tạ bơ của gia đình chị đã thu hoạch xong và đóng thành từng thùng quả tươm tất để vận chuyển đi tiêu thụ. Năm nay, sản lượng sụt giảm đến 90%, dịch bệnh khiến giá hạ, đầu ra cũng hạn chế hơn. Nếu không có Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên chủ động liên kết với thương lái để thu mua, thu hái giúp thì gia đình chị cũng không biết phải xoay xở ra sao.

Vận chuyển bơ đến điểm tập kết để phân loại, đóng thùng
Đoàn viên, thanh niên huy động phương tiện, vận chuyển bơ đến điểm tập kết để phân loại, đóng thùng cho nông dân.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đoàn xã Ea Kpam cho hay, phần lớn diện tích bơ trên địa bàn được trồng xen canh trong vườn cà phê, lại nằm rải rác ở các khu vực, trong khi đó, địa phương đang thực hiện giãn cách nên việc đi lại, thu hoạch cũng khó khăn hơn. Mấy ngày qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã đã huy động xe máy cày, nhân lực, thu hái giúp hơn 3 tấn bơ đạt tiêu chuẩn cho các hộ dân trên địa bàn.  

Những “shipper” đặc biệt

Những ngày này, hình ảnh áo xanh của thanh niên đi khắp các ngả đường làng, giao từng bài tập cho học sinh đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân xã Cư M’gar.

Vào năm học mới, nhiều trẻ em ở địa phương không có thiết bị công nghệ phục vụ cho học trực tuyến. Để không gián đoạn việc học của các em, đoàn viên, thanh niên địa phương trở thành “shipper” đặc biệt, đi gõ cửa từng nhà để mang bài tập đến cho từng em. Theo đó, giáo viên các trường học cấp tiểu học và THCS trên địa bàn ra bài tập, rồi photo, lập danh sách học sinh theo từng khu vực thôn, buôn, Đoàn thanh niên xã phụ trách việc hỗ trợ chuyển trực tiếp các bài tập này đến tận nhà học sinh.

Đoàn viên thanh niên xã Cư Mgar đến giao bài tập cho học sinh ở buôn Huk B,
Đoàn viên, thanh niên xã Cư M'gar mang bài tập đến tận nhà cho học sinh ở buôn Huk B.

Chị H’Chăm Ban RCăm, Phó Bí thư Đoàn xã Cư M’gar cho hay, xã có 14 thôn, buôn. Hàng tuần, cứ vào ngày thứ 4 và chủ nhật, đoàn viên, thanh niên chia nhau đến trường nhận bài tập từ giáo viên rồi “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” giao tận tay cho các em. Tuần hai lần, đoàn viên, thanh niên quay trở lại thu bài tập của các em đã làm và phát bài tập mới. Mỗi lần như thế, có gần 130 bài tập được giao cho các em.

Cùng với việc giao bài tập, những “shipper” áo xanh cũng không quên hướng dẫn, nhắc nhở các em hoàn thành bài tập; theo dõi, quản lý các em trong thời gian ở nhà, không đến trường và kết hợp tuyên truyền phòng, chống COVID-19 cho người dân địa phương. Anh Y Vương Ayun (phụ huynh em H’Nho Niê, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Ama Trang Lơng) chia sẻ, vì dịch bệnh nên không thể đến trường đi học, con gái anh không thôi nhớ trường, nhớ lớp. Nhận được bài tập từ các anh chị thanh niên giao, cháu rất mừng và cố gắng hoàn thành bài tập sớm. Gia đình cũng thấy yên tâm vì cháu vẫn củng cố được kiến thức trong thời gian nghỉ học để chống dịch.

Tham gia hỗ trợ các em trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ở địa phương, lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng đề cao ý thức, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Những thanh niên tham gia hỗ trợ được hướng dẫn kỹ việc mang khẩu trang, rửa tay phòng dịch thường xuyên và giữ khoảng cách khi giao tiếp... 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.