Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Tìm lời giải cho bài toán “xóa ngập” (Kỳ 1)

08:11, 20/09/2021

Được sự quan tâm của các cấp, ngành, những năm qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trên tuyến Quốc lộ 27 và Tỉnh lộ 10 đoạn qua huyện Cư Kuin đã được đầu tư  xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhằm tạo điều kiện giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực mỗi khi mưa lớn.

Kỳ 1: Những “điểm nóng” về ngập

Những năm gần đây, huyện Cư Kuin thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa tại một số vị trí dọc tuyến Quốc lộ 27 và Tỉnh lộ 10, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân.

Những "túi nước" mùa mưa

Hơn 40 năm sinh sống tại Cư Kuin, ông Phan Thanh Nhàn (thôn 4, xã Ea Bhốk) vẫn nhớ đợt ngập cục bộ năm 2014 tại khu Trung tâm hành chính (TTHC) huyện khiến nhiều hộ dân điêu đứng vì hoa màu bị cuốn trôi, hồ tiêu chết dần chết mòn. Căn nhà ngói của ông Nhàn nằm thấp hẳn so với mặt đường Quốc lộ 27, dấu mực nước ngập lên đến gần 1m vẫn còn in đậm trên mảng tường cũ. Hơn 4 sào hồ tiêu đang vào độ thu hoạch đã bị mất trắng trong đợt ngập năm 2014 đến nay vẫn đang trong quá trình cải tạo lại, khiến thu nhập của gia đình giảm sút.

Khu vực chợ Trung Hòa ngập cục bộ sau cơn mưa chiều 30-8-2021.

Cùng cảnh ngộ trên, gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở cùng thôn đã chủ động đào 2 hố thoát nước trước cửa nhà để rút nước mưa, thế nhưng vẫn bị ngập. Trước đây, gia đình ông Nam trồng 1 ha tiêu, mỗi năm cho thu từ 3 - 4 tấn. Từ năm 2014 đến nay, cứ vào mùa mưa thì có một lượng nước lớn từ những vườn cao su tái canh của Nông trường cao su 19/8 (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk) tràn qua Tỉnh lộ 10 đổ vào vườn nhà khiến cây bị ngập úng, giảm năng suất nghiêm trọng, hàng loạt cây chết dần. Cây tiêu cho giá trị kinh tế cao nhưng công chăm sóc và kinh phí đầu tư không hề nhỏ. Lo ngại rủi ro, những năm gần đây, ông Nam đã chuyển từ trồng tiêu sang trồng cây ăn trái.

 

Để khắc phục tình trạng nước ngập vào nhà, vườn tược gây hư hại cây trồng, người dân đã chủ động nạo vét kênh mương, tự bỏ kinh phí đắp bờ chống tràn, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Ai cũng mong mỏi Dự án thoát nước khu TTHC huyện sớm được thi công để yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”.

 
Ông Phan Thanh Nhàn (thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin)

Ông Nam chia sẻ: “Không chỉ thiệt hại cây trồng, sau mỗi cơn mưa, lượng lớn đất cát bị cuốn trôi lắng lại trên mặt đường thành bùn lầy. Nước mưa không thoát kịp đọng lại thành vũng, nhiều người dân phải dùng máy bơm công suất nhỏ hút để nước rút nhanh hơn”.

Nỗi lo lại chồng nỗi lo khi không chỉ khu TTHC huyện gặp phải tình trạng ngập úng, mà hệ thống rãnh thoát nước dọc Quốc lộ 27 cũng thường xuyên bị bồi lắng, đặc biệt khu vực chợ Trung Hòa ngập úng cục bộ, dẫn đến mặt đường nhanh xuống cấp, tại một số vị trí mới được đầu tư xây dựng đã xuất hiện các vết rạn nứt, ổ gà, gây mất an toàn giao thông.

Mới đây, trong cơn mưa chiều 30-8, Quốc lộ 27 nhất là đoạn qua chợ Trung Hòa (xã Ea Tiêu) biến thành biển nước, dòng nước đổ về chảy xiết, ngập sâu trên 50cm khiến nhiều người tham gia giao thông té ngã và phải dắt bộ trong cơn mưa tầm tã vì xe chết máy. Sau nhiều giờ, lượng nước vẫn ứ đọng khắp mặt đường không có lối thoát.

Hệ thống thoát nước đang tắc

Ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cư Kuin cho biết, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng cục bộ tại Khu TTHC huyện (từ Km 14+200 đến Km 16+800 Quốc lộ 27) là do hạ tầng khu TTHC được xây dựng với quy mô lớn nhưng chưa có hệ thống thoát nước tương ứng. Mỗi khi mưa to, lượng nước từ các lô cao su của Nông trường cao su 19/8 đổ về khu vực trung tâm huyện dọc theo Tỉnh lộ 10 gây ngập úng cục bộ tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Dray Bhăng và tiếp tục chảy qua khu vực vườn rẫy của các hộ dân tràn qua Quốc lộ 27 (đoạn Trường THPT Y Jut, xã Ea Bhốk).

Nước mưa đọng thành vũng lớn trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Nam (thôn 4, xã Ea Bhốk).

Để giải quyết tình trạng này, ngày 6-1-2016, HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thoát nước khu TTHC huyện Cư Kuin với kinh phí trên 32 tỷ đồng, trong đó 75% vốn ngân sách tỉnh và 25% từ nguồn ngân sách huyện. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 2,88 km gồm 3 đoạn: đoạn trên Tỉnh lộ 10, chiều dài 1,013 km; đoạn trên đường đi UBND xã Ea Bhốk chiều dài 1,448 km; đoạn dẫn ra suối (trên đường vào trường học và đường mòn dân sinh) chiều dài 418m. Thế nhưng, khởi công chưa lâu thì dự án phải dừng lại vì những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Không riêng khu TTHC huyện, một số vị trí dọc Quốc lộ 27 xuất hiện tình trạng ngập úng là do hệ thống rãnh thoát nước hầu hết đã bị bồi lắng, không đảm bảo khả năng thoát nước. Đặc biệt khu vực chợ Trung Hòa thường xuyên ngập nặng là do lượng nước từ 12 ha cao su thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức chảy ra Quốc lộ 27, kèm theo lượng nước lớn từ Trung tâm Y tế huyện, Công ty Vinacafe Nam Tây Nguyên và các khu dân cư dọc Quốc lộ 27 đổ dồn về. Ngoài ra, việc vận hành, khai thác cụm chia nước ra hồ chứa nước xã Ea Tiêu của đơn vị quản lý chưa phù hợp với tình hình thực tế nên công trình chưa phát huy hiệu quả.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Khơi thông hệ thống thoát nước:  Cần sự đầu tư đồng bộ

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.