Chống "giặc COVID-19", sức mạnh của lòng dân (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Vững vàng trên từng trận tuyến
Để mỗi “pháo đài” thực sự vững vàng chống lại sự tấn công của “giặc COVID”, vai trò của từng “lá chắn” đặc biệt quan trọng. Mỗi “lá chắn” xây dựng phương án tác chiến và phát huy nội lực tại chỗ sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp ngăn chặn, bao vây, cô lập, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
“Lá chắn” trên Quốc lộ 14C
Chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14C (đoạn biên giới giáp hai tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông) của tỉnh hoạt động 24/24 giờ kể từ khi được tái thành lập sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Đây được coi là tấm “lá chắn” đặc biệt quan trọng trên tuyến biên giới, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép từ Campuchia và người từ các vùng dịch đi qua khu vực biên giới của tỉnh.
Người dân khai báo y tế tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14C. |
Những ngày tháng 9, từng cơn mưa bất chợt xối xả lên vùng biên khiến chốt kiểm soát phòng dịch trở nên ẩm ướt. Nơi đặt điểm chốt được dựng tạm bợ bằng tôn và bạt. Chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở giữa bốn bề núi rừng thăm thẳm nên không tránh khỏi những thiếu thốn, bất tiện.
Vậy nhưng, khó khăn ấy càng khiến các anh nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bất kể ngày nắng hay đêm mưa, họ căng mình bám chốt, tiến hành các thủ tục cần thiết với người qua lại như đo thân nhiệt, khai báo y tế, lấy số điện thoại, kiểm tra phương tiện... nhằm ngăn dịch bệnh lây lan vào địa bàn.
Vào khoảng giữa tháng 7-2021, khi dòng người từ vùng dịch phía Nam đi xe máy về các tỉnh miền Trung, miền Bắc chạy ngang qua đây, cán bộ, chiến sĩ tại chốt làm việc gần như không có thời gian nghỉ.
Thiếu tá Y Tiêu Kmăn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yok Đôn, Chốt trưởng cho hay, nhìn dòng người về trong hoàn cảnh đèo bòng nhau trên chiếc xe cũ kỹ, chở cả người già, trẻ thơ nheo nhóc, lực lượng trực chốt không kìm được xúc động, nhiều anh em đã tự bỏ tiền túi hỗ trợ thêm xăng dầu, bánh trái, nước uống, sữa cho người đi đường. Cũng xuất phát từ thực tế này, Đồn Biên phòng Yok Đôn đã lập một khu vực để tặng lương thực, thực phẩm, trái cây hỗ trợ người đi đường với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Lo cho dân no còn có sức chống “giặc”
Khi phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) liên tiếp ghi nhận 9 ca mắc COVID-19, phải phong tỏa hai khu dân cư, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường lập tức huy động các lực lượng họp bàn, xây dựng phương án tác chiến.
Qua đó có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, giao từng tổ chức, cá nhân phụ trách phần việc cụ thể, có báo cáo, kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ của người đứng đầu.
Nhờ vậy các lực lượng đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác phong tỏa, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Cùng với đó là tập trung chăm lo công tác an sinh để dân yên tâm chống dịch.
Ban Chỉ đạo phường đã thành lập các tổ: hậu cần, bảo vệ, đi chợ và hỗ trợ lưu động, mỗi tổ đều có quy chế hoạt động, người phụ trách, điều hành chung và các thành viên đảm trách từng khâu, phối hợp nhau chặt chẽ. Trong các khu phong tỏa thành lập nhóm Zalo, cung cấp số điện thoại của lãnh đạo ủy ban, trưởng các tổ chức, đoàn thể nhằm kịp thời thông tin, nắm bắt tình hình.
Cán bộ công chức UBND phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) chuẩn bị nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khu vực phong tỏa. |
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cả hệ thống chính trị của phường và các tình nguyện viên không chỉ vận động, kêu gọi ủng hộ nguồn lực mà cùng xắn tay áo để tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc men, vật dụng y tế, rồi phân loại, đóng gói, sắp xếp vào các “Siêu thị lưu động 0 đồng”, “Túi quà an sinh”… đưa đến tận tay các hộ khó khăn, người yếu thế, thuê trọ trong khu phong tỏa.
Bí thư Đảng ủy phường Thắng Lợi Nguyễn Thị Kim Cúc chia sẻ: “21 ngày phong tỏa ở hai địa điểm là 21 ngày chúng tôi mất ăn, mất ngủ, vừa lo lắng dịch bệnh lây lan, vừa tính toán việc phân phối lương thực, thực phẩm phù hợp để dân không thiếu thốn. Được bảo đảm an sinh nên các hộ dân đồng lòng, yên tâm thực hiện đúng quy định phong tỏa, không có ổ dịch phát sinh, đó là thắng lợi lớn nhất với cán bộ và nhân dân địa phương trong cuộc chiến này”.
“Khóa” chặt địa bàn để giữ "vùng xanh"
Bất ngờ, lúng túng, lo lắng đến toát mồ hôi là tình trạng chung ban đầu của lãnh đạo và người dân xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) khi buôn Kwăng A rồi đến buôn Kwăng B, Krum A, Krum B lần lượt trở thành tâm dịch COVID-19.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, ranh giới của 4 buôn "vùng đỏ", các điểm xung yếu cần bảo vệ để giữ gìn 12 thôn, buôn đang trong vùng an toàn nhanh chóng được xác định. Các phương án tác chiến, huy động toàn thể lực lượng tham gia truy vết, khoanh vùng, xác định các trường hợp tiếp xúc được bàn thảo kỹ càng, tính đến mọi tình huống phát sinh và các kế hoạch dự phòng nhằm kịp thời xử lý. Triển khai đến đâu, các lực lượng của xã lại họp nhanh để đánh giá, rút kinh nghiệm đến đó nên mọi mắt xích dần được vận hành trơn tru, ăn khớp.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) Phạm Ngọc Tiên
|
Để “khóa” chặt địa bàn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ an ninh trật tự dưới sự quản lý, điều hành chung của Trưởng Công an xã Cư Bao được thiết lập. Ngoài 8 công an xã, 34 công an viên của 18 thôn, buôn, lực lượng quân sự xã và tình nguyện viên, còn có 17 chiến sĩ do Công an thị xã Buôn Hồ điều động chi viện cho xã Cư Bao thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Cùng với tham gia truy vết, phong tỏa các buôn có dịch, lực lượng trên đã phân chia thành 10 chốt, vừa trực chốt 24/24 giờ, vừa chia ca đi tuần tra các tuyến đường, nhất là các ngõ ngách, đường mòn và nơi tiếp giáp với các xã khác, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ địa bàn.
Cùng với công tác kiểm soát địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho nhân dân, nhất là những hộ phải đi điều trị, cách ly tập trung, các chốt kiểm soát dịch của xã Cư Bao còn trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ chuyển lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi vào các buôn bị phong tỏa.
Xác định công tác thông tin, tuyên tuyền, nắm bắt tình hình đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch, Công an xã đã tham mưu thành lập và điều hành trang Zalo xã. 4 buôn phong tỏa cũng thành lập 4 nhóm Zalo có sự tham gia của công an viên nhằm kịp thời nắm tình hình, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, chấn chỉnh những thông tin không đúng sự thật.
Có thể thấy, việc cụ thể hóa chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Chính phủ một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và diễn biến dịch COVID-19 thực sự phát huy hiệu quả.
Mỗi địa phương nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động được sức mạnh nội lực cùng sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của người dân sẽ tạo thành sức mạnh và niềm tin đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Nguyễn Xuân - Quỳnh Anh - Thúy An
Ý kiến bạn đọc