Huyện Cư M’gar: Yêu cầu người dân đi chợ, mua sắm hàng thiết yếu không quá 2 lần/ tuần
Ngày 1-9, UBND huyện Cư M’gar đã ban hành Công văn số 2717/UBND-VP về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn huyện.
Theo đó, có một số nội dung siết chặt hơn nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương.
Cụ thể, từ 18 giờ ngày 1-9-2021, huyện Cư M’gar thực hiện cách ly xã hội trên toàn địa bàn huyện cho đến khi có thông báo mới, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố, thôn, buôn cách ly với tổ dân phố, thôn, buôn; xã, thị trấn cách ly với xã, thị trấn.
Huyện Cư M’gar yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi được cơ quan chức năng cho phép trong trường hợp thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện (trạm y tế) và tại nơi công cộng.
Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, kể cả lĩnh vực ăn uống, chợ tự phát, buôn bán vỉa hè; chỉ duy trì hoạt động của siêu thị, chợ và các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu y tế, xăng dầu, bưu chính viễn thông, công chứng, ngân hàng, hoạt động sản xuất, mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, các hoạt động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Người dân huyện Cư M'gar được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 để khẩn trương bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng |
Đối với các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu; chuẩn bị các gói hàng đóng sẵn để người dân lựa chọn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, bảo đảm thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến, lắp đặt các tấm chắn và các biện pháp hạn chế tiếp xúc gần.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện bảo đảm yêu cầu “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, làm việc tại chỗ) và các biện pháp phòng, chống dịch thì được phép hoạt động.
Dừng triệt để các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở cung cấp dịch vụ; dừng triệt để các hoạt động giáo dục và đào tạo tại các trường học, cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn huyện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hội họp, làm việc; bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà (riêng lực lượng vũ trang, đội ngũ y tế và đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch phải làm việc 100%).
Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu như y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu, bảo đảm giao thông, hạ tầng đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, dịch vụ tang lễ, các đơn vị phục vụ hậu cần phòng, chống dịch, tình nguyện viên, cứu trợ nhân đạo, người đi tiêm vắc-xin, các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân được phép đi lại khi thực hiện nhiệm vụ nhưng tuyệt đối phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Các ngân hàng, văn phòng công chứng hoạt động ở mức tối thiểu để bảo đảm cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết; khuyến khích làm việc theo ca, giãn cách, áp dụng phương thức “3 tại chỗ”.
UBND huyện Cư M’gar cũng yêu cầu dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô. Hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân; trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại để khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và có đầy đủ các giấy tờ lưu thông theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành giao thông vận tải.
Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn có phương án tổ chức cho người dân đi chợ, mua sắm hàng hóa thiết yếu không quá 2 lần/tuần; đồng thời xem xét điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để chủ động tổ chức lực lượng đi chợ giúp người dân, bảo đảm lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân tại các khu phong tỏa.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, huyện khuyến khích người dân ở lại nơi sản xuất; trường hợp không thể ở lại nơi sản xuất thì UBND xã, thị trấn nơi cư trú xem xét xác nhận cho người dân, nhưng phải bảo đảm tính giãn cách, luân phiên…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc