Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19

15:06, 22/09/2021

Ngày 21-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau: Đối với Bộ NN-PTNT, chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ những giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng, khu vực đã khống chế được dịch COVID-19 để hỗ trợ, bù đắp phần thiếu hụt cho các địa phương khác, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của hai Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam.

ảnh
Nông dân thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa)

Chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp, xây dựng mã số vùng trồng, mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản; tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử. 

Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc (sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản); khẩn trương đàm phán thống nhất với cơ quan liên quan của Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm dịch động thực vật vào thị trường Trung Quốc... 

Đối với Bộ Công thương, hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT đánh giá tác động, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ 1-1-2022. Chủ động trao đổi với các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả; khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

ảnh
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Lắk đang được thúc đẩy phát triển. (Ảnh minh họa)

Đối với Bộ Giao thông vận tải, chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Kiểm tra, hướng dẫn lưu thông thống nhất tại các địa phương; rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lưu thông hàng hóa, tuyệt đối không để ách tắc, các địa phương không được ban hành các "giấy phép con"… 

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9-9-2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tư vấn chuyên môn phòng, chống dịch cho cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị vận tải lưu thông hàng hóa và kịp thời tham mưu giải quyết ngay khi có khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản và di chuyển lao động liên tỉnh, liên huyện, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho nhân lực hoạt động trong thu hoạch, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản; xây dựng, hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19 ở "vùng xanh", giữa các "vùng xanh" để tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.