Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk được đầu tư trên 118 tỷ đồng để tăng khả năng chống chịu của nông nghiệp do biến đổi khí hậu

17:57, 15/10/2021

Sáng 15-10, Bộ NN-PTNT phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo trực tuyến Khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR) với 5 tỉnh tham gia dự án.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có đại diện Sở NN-PTNT và các đơn vị, địa phương liên quan.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Đắk Lắk.

Dự án SACCR do Quỹ khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP được thực hiện tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 – 2026).

Tại Đắk Lắk, dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm: Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nước do biến đổi khí hậu trên địa bàn Đắk Lắk.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: Trao quyền cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp thông qua bảo đảm nguồn nước; áp dụng các thực hành nông nghiệp mang tính chống chịu khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp mang tính thực hành; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường; thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự điều phối giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất chủ động dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu.

Tổng mức đầu tư cho toàn dự án trên 783 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại trên 703 tỷ đồng do GCF viện trợ, ủy thác qua UNDP; vốn đối ứng của Việt Nam trên 80 tỷ đồng. Đối với Đắk Lắk, tổng mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng (gồm: vốn ODA trên 102 tỷ đồng; vốn đối ứng gần 16 tỷ đồng).

ảnh
Huyện Ea Kar bơm tát từ mực nước chết của hồ Ea Bư (xã Cư Huê) để chống hạn cho lúa vụ hè thu năm 2021. 

Các hoạt động của dự án tại Đắk Lắk, gồm: thiết kế và xây dựng 917 hệ thống kết nối và phân phối, trong đó có lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị tưới để ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập 9 nhóm sử dụng nước để vận hành và bảo dưỡng hệ thống; xây dựng hoặc nâng cấp 260 ao chống chịu với biến đổi khí hậu và thiết lập 43 nhóm quản lý ao; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng cho 2.335 hộ sản xuất nhỏ nghèo, cận nghèo…

Dự án cũng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân trong nhóm đối tượng của dự án về sử dụng, vận hành và bảo dưỡng hệ thống công nghệ tiết kiệm nước; tham gia vào chuỗi giá trị.

Phát biểu đánh giá về dự án, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó hạn hán khốc liệt là biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và nông dân là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong 5 năm triển khai, dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 335 nghìn hộ nông dân ở 5 tỉnh được hưởng lợi từ dự án bằng việc nâng cao năng lực thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và triển khai vùng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu... Việt Nam kỳ vọng vào các mục tiêu của dự án sẽ giúp người dân ở những khu vực này, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện đáng kể cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.