Mở rộng cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19
Trước sự gia tăng liên tục của số ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong những ngày vừa qua, ngành y tế đã chủ động mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, tăng số giường bệnh ở cả 3 tầng điều trị nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời với các tình huống của dịch bệnh.
Tăng số giường bệnh lên hơn 5.500
Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến và trở thành một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19 của cả nước.
Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến theo chiều phức tạp, các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng liên tiếp xuất hiện tại nhiều huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn thiếu nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, việc bệnh nhân gia tăng mạnh khiến nhiều cơ sở rơi vào tình trạng quá tải.
Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Trường Chính trị tỉnh chính thức thu dung, điều trị bệnh nhân từ ngày 1-11. |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế đã lên phương án tăng số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 lên khoảng 5.500 giường bệnh ở cả 3 tầng điều trị. Trong đó Bệnh viện dã chiến số 1 và Bệnh viện dã chiến số 2 là 3.700 giường bệnh điều trị ở tầng 1, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk 230 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 có 300 giường bệnh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh 100 giường. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ tăng số giường bệnh điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch lên 590 giường bệnh tại Khu Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và Khu điều trị COVID-19 đặt ở tòa nhà E. Đồng thời, các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh sẽ bố trí từ 5 - 20 giường điều trị bệnh nhân nặng.
Ghi nhận tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Trường Chính trị tỉnh (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), ngay khi vừa đi vào hoạt động bệnh viện đã thu dung, điều trị cho 80 bệnh nhân gồm các bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng, bệnh nhân có bệnh lý nền ổn định và trẻ em trên 5 tuổi. Tại đây, các bệnh nhân được bố trí phòng ở, đảm bảo chế độ ăn uống, chăm sóc, điều trị theo đúng quy định.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2, trong những ngày đầu, bệnh viện còn gặp một số khó khăn nhưng nhờ sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, bộ đội, công an… nên đã dần đi vào ổn định. Hiện bệnh viện đang tiếp tục triển khai sửa chữa, chuẩn bị trang thiết bị, máy móc cho các khu điều trị tiếp theo để kịp thời tiếp nhận thêm các trường hợp F0 trên địa bàn tỉnh vào điều trị. Số lượng bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện đang còn thấp so với quy mô nên lượng cán bộ y tế của bệnh viện chủ yếu mới huy động từ Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi số lượng bệnh nhân tăng, bệnh viện sẽ có kế hoạch đề nghị Sở Y tế huy động, sắp xếp, bố trí thêm nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị.
Triển khai điều trị F0 tại nhà
Cùng với việc tăng thêm cơ sở điều trị, mở rộng số lượng giường bệnh nhằm đáp ứng thực tế lượng bệnh nhân đang gia tăng từng ngày, Sở Y tế cũng đã có phương án quản lý và chăm sóc F0 tại nhà. Theo đó, sẽ áp dụng điều trị tại nhà, nơi cư trú đối với bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế về chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện. 184 trạm y tế trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 184 trạm y tế lưu động; mỗi trạm sẽ theo dõi, điều trị từ 50 - 100 bệnh nhân được chỉ định điều trị tại nơi cư trú.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân khu vực nguy cơ cao trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, để đảm bảo công tác điều trị F0 tại nhà hiệu quả, Sở Y tế đã thành lập Tổ tư vấn, điều trị COVID-19 lưu động và quản lý F1, F0 tại nhà gồm 7 thành viên do Phó Giám đốc Sở Y tế làm Tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ tham mưu, giúp Giám đốc Sở Y tế triển khai công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo các trạm y tế lưu động thực hiện công tác tư vấn, điều trị COVID-19, quản lý và chăm sóc sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà.
Để sớm kiểm soát dịch, bên cạnh sự chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng, ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhanh với các tình huống dịch có thể xảy ra, đặc biệt khi số lượng ca mắc tăng nhanh. Đồng thời, tăng tốc tiêm vắc xin phòng COVID-19 để sớm bao phủ vắc xin ở những địa bàn nguy cơ cao; nâng cao khả năng thu dung, điều trị ở các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; chuẩn bị phương án ứng phó với trường hợp dịch tiếp tục bùng phát mạnh trong cộng đồng. Đặc biệt là thành lập Trung tâm ô xy để đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh việc huy động các lực lượng, nguồn lực tại chỗ, ngành y tế đã kiến nghị Bộ Y tế, các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk về nhân lực, thuốc, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất từ các bệnh viện dã chiến đã ngừng hoạt động của các tỉnh thành này.
Trong ngày 3-11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 170 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 42 ca bệnh trong cộng đồng và 1 trường hợp tử vong do COVID-19. Các ca bệnh cộng đồng tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột (31 ca), thị xã Buôn Hồ (1 ca) và các huyện Cư M’gar (3 ca), Ea Kar (3 ca), Krông Ana (1 ca), Krông Búk (3 ca). |
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc