Multimedia Đọc Báo in

Năm 2021, phát hiện và xử lý 2.886 vụ vi phạm trên lĩnh vực thương mại

17:02, 11/01/2022

Chiều 11-1, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 tỉnh) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì hội nghị.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ hàng hóa và các dịch vụ trên địa bàn bị giảm sút. Song, bằng nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau, hàng lậu, hàng giả, nhái, hành vi gian lận thương mại (GLTM)… vẫn tuồn về tiêu thụ và tồn tại trên thị trường.

Trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 2.886 vụ vi phạm, trong đó, xử lý hình sự 24 vụ, tổng số tiền qua xử lý hơn 105 tỷ đồng. Hàng nhập lậu, giả chủ yếu là thuốc lá điếu nhập ngoại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, pháo nổ, mỹ phẩm, đồ điện tử… Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm, xử lý giảm 32 vụ, số tiền thu được qua xử lý giảm 914 triệu đồng.

Quang cảnh hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi GLTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; trên tuyến biên giới lực lượng mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên việc triển khai các hoạt động phòng chống buôn lậu, GLTM vẫn còn hạn chế...

Để công tác đấu tranh với vấn nạn buôn lậu, hàng giả, nhái, GLTM trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu, ngoài việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia thì các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác nắm bắt diễn biến thị trường, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường xảy ra; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm nhằm đấu tranh có hiệu quả với vấn nạn hàng giả, GLTM, bảo vệ người tiêu dùng địa phương.

Cùng với đó, tăng cường giám sát, quản lý hoạt động bán hàng online; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân trong tỉnh về phòng, chống buôn lậu, GLTM, vận động quần chúng nhân dân không tiếp  tay cho các đối tượng buôn lậu.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.