Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng

16:01, 10/02/2022

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và chủ rừng tăng cường lực lượng để thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, không để phát sinh những “điểm nóng” vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng; chữa cháy rừng kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân vùng đệm.

Trong đó, UBND cấp huyện phải đặt nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để thực nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND cấp huyện phải chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn cấp huyện; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện đủ mạnh để kịp thời xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp, kịp thời tổ chức chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra. 

Các chủ rừng huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện của đơn vị phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn phải bảo vệ được diện tích rừng, đất rừng hiện có; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những diện tích rừng ở những vị trí, tuyến đường xung yếu để kịp thời phát hiện, tổ chức các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm; lập biên bản và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý.

Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện, kiểm tra, lập hồ sơ kịp thời và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất rừng và phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng gửi các đơn vị chức năng có ý kiến theo quy định để triển khai thực hiện; thành lập, quản lý hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy rừng để duy trì hoạt động.

Các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế phối hợp lực lượng đã ký kết trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.