Giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài
Chiều 23/3, tại Hà Nội, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài để thông tin về tình hình hoạt động các TCPCPNN, về kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2021 và phương hướng công tác trong năm 2022.
Đồng chí Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các TCPCPNN và đồng chí Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các TCPCPNN đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh.
Đồng chí Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các TCPCPNN phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình tivi). |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tô Anh Dũng cho biết: Trong năm 2021, tình hình thế giới và Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh mẽ, kéo dài bởi dịch COVID-19, tác động sâu rộng về y tế, kinh tế xã hội và tạo thách thức đối với năng lực ứng phó nền kinh tế của tất cả các nước. Đồng thời, đại dịch COVID-19 cũng đã tác động đến toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của các TCPCPNN tại Việt Nam và công việc của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phi chính phủ nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Ủy ban công tác về các TCPCPNN, cơ quan Thường trực của Ủy ban và các cơ quan trong cơ chế ủy ban đã chủ động, linh hoạt, đổi mới phương thức phù hợp, tổ chức tốt các hoạt động, bảo đảm yêu cầu đề ra; các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ, hợp tác với các TCPCPNN nên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2021 và trọng tâm công tác năm 2022; thông tin về hoạt động phi chính phủ nước ngoài liên quan đến an ninh chính trị và các vấn đề lưu ý trong công tác quản lý viện trợ…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Đối với tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2021 (từ 15/12/2020 đến 14/12/2021) đã tiếp nhận 16 khoản viện trợ (8 khoản viện trợ phi dự án, 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật, 1 dự án đầu tư) với tổng giá trị đăng ký là 1.786.146 USD. Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai 28 khoản viện trợ (10 khoản viện trợ do UBND tỉnh phê duyệt kéo dài từ các năm trước, 16 khoản viện trợ do UBND tỉnh phê duyệt năm 2021 và 2 khoản viện trợ do bộ, ngành Trung ương phê duyệt). Các khoản viện trợ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục và cải thiện sinh kế cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số…
Công tác quản lý và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức tại tỉnh được các cấp, các ngành chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân thụ hưởng nguồn viện trợ luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và các nhà tài trợ trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, kết hợp với bảo đảm quốc phòng – an ninh được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc