Đừng chê rừng nghèo kiệt!
Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh những năm gần đây với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nạn phá rừng. Các chuyên gia về rừng, môi trường nhiều lần khuyến cáo cần bảo vệ bằng được những cánh rừng nguyên sinh, đừng đánh đổi vì lợi ích kinh tế và đừng chê rừng nghèo kiệt.
Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ rừng tự nhiên ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) bị xâm hại nghiêm trọng. Đây là vụ phá rừng có quy mô rất lớn (gần 400 ha). Cây to, cây nhỏ trong rừng bị cưa hạ tràn lan, nằm la liệt dưới đất khiến dư luận xót xa. Ngay khi phát hiện vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc. Rất nhanh, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” để điều tra, thể hiện sự quyết liệt của chính quyền, các ngành chức năng trong việc xử lý những hành vi xâm phạm đến rừng.
Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở Tiểu khu 540A do Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý. Ảnh: Trung Dũng |
Biến đổi khí hậu đã được nhắc nhiều trong thời gian qua khi gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan: Mưa lớn, lũ lụt, hạn hán… Không nói đâu xa, mùa mưa năm 2021, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề cả về người và của do mưa lũ. Gần đây nhất (cuối tháng 3/2022), mưa lớn kèm theo giông lốc khiến nhiều ngôi nhà, trường học ở huyện vùng biên Ea Súp bị tốc mái, hư hỏng nặng.
GS.TS. Bảo Huy (nguyên Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên) - chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên rừng và môi trường từng chia sẻ, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và Việt Nam cũng “góp phần” làm nên hiện tượng cực đoan ấy khi xả thải, khí CO2, để mất rừng - một trong những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu.
Theo GS.TS. Bảo Huy, rừng được ví như “lá phổi xanh”, có vai trò rất quan trọng trong điều hòa khí hậu, nguồn nước không chỉ ở khu vực mà của cả nước. Song những năm qua, rừng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng bị suy giảm mạnh cả về chất lượng, số lượng. Nhiều diện tích rừng rơi vào tình trạng nghèo kiệt, chỉ cần vài cây bị chặt đi sẽ không đủ tiêu chí thành rừng. Tuy nhiên, GS.TS. Bảo Huy khuyến cáo cần phải bảo vệ bằng được những cánh rừng tự nhiên, kể cả rừng nghèo kiệt. Vì dưới tán rừng là cả hệ sinh thái, góp phần hấp thụ và tích lũy khí CO2. Nếu rừng bị tàn phá, bị đốt sẽ thải ra một lượng khí CO2 rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường: Xói mòn, rửa trôi, suy thoái tài nguyên đất, suy giảm mực nước ngầm…
Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) cũng khuyên không nên đánh đổi rừng cho các mục tiêu kinh tế và đừng chê rừng nghèo kiệt. Giữ rừng tự nhiên là giải pháp đơn giản mà rẻ tiền nhất để thích ứng, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Dẫu hậu họa việc phá rừng đã được các chuyên gia trong ngành cảnh báo, thậm chí hiện hữu trong những năm qua, song rừng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng vẫn bị xâm phạm, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và cả trong chính ý thức của người dân để bảo vệ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” của con người.
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc