Multimedia Đọc Báo in

Tham vấn ý kiến gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk

16:40, 29/06/2022

Ngày 29/6, tại TP. Buôn Ma Thuột, Sở NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện Đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk.

Theo Ban tổ chức hội thảo, trên địa bàn Đắk Lắk hiện có khoảng 28 cá thể voi hoang dã, với 4 nhóm tập trung từ 4 – 7 cá thể ở các khu vực thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn và Công ty Cao su Phước Hòa (giáp ranh tỉnh Gia Lai).

ảnh
Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay các đàn voi hoang dã đều đã gây ra xung đột với con người, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện việc theo dõi sự di chuyển của các đàn voi rất khó khăn và khó đưa ra cảnh báo sớm để hạn chế sự xung đột giữa các đàn voi và người dân địa phương. Do đó, việc đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát các đàn voi hoang dã là cần thiết.

Mục tiêu của việc gắn thiết bị GPS trên voi là nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu về mật độ quần thể loài và hành lang di chuyển của voi hoang dã; phối hợp chặt chẽ với cộng đồng địa phương nhằm giảm thiểu xung đột voi - người; bảo tồn có hiệu quả quần thể voi hoang dã lớn nhất cả nước tại Đắk Lắk.

ảnh
Tiến Sỹ Bhaskar Choudhury, Chuyên gia bảo tồn voi, Ấn Độ phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc gắn định vị GPS đối với các đàn voi hoang dã là rất cần thiết để nắm được tập tính di chuyển, hành lang, địa bàn voi có thể di chuyển đến nhằm phục vụ kế hoạch bảo tồn voi cũng như thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm đến cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực do voi hoang dã gây ra và ngược lại. Do đó, để thực hiện đề án cần học hỏi kinh nghiệm và sự hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của nước ngoài, đặc biệt đối với loài voi…

Tất cả các ý kiến tham vấn được Ban tổ chức hội thảo tiếp thu và sẽ phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đề án được thông qua, dự kiến đến mùa mưa năm 2022 - 2023 sẽ triển khai gắn vòng cổ GPS cho voi hoang dã tại Đắk Lắk.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.