Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X
Ngày 1/12, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm thẩm tra các văn bản sẽ trình tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X. Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thị Phương Hoa chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Pháp chế đã tham gia góp ý, thẩm tra về những nội dung trong các dự thảo báo cáo về kết quả công tác trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác trong năm 2023 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thị Phương Hoa phát biểu tại cuộc họp. |
Các thành viên Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với những kết quả mà các cơ quan, đơn vị đã đạt được trong năm 2022. Theo đó, Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố 11.174 vụ, 2.197 bị can; kiểm sát giải quyết mới 9.478 vụ, việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, chủ yếu liên quan đến hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất và các quyết định hành chính trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
TAND hai cấp đã giải quyết 13.267/14.384 vụ, việc các loại (đạt 92,2%), 1.117 vụ việc còn lại đang tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật; Ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã thi hành xong 14.925 vụ việc (đạt 82,94% trên số việc có điều kiện thi hành), số tiền thi hành xong trên 908,5 tỷ đồng (đạt 51,83% trên số tiền có điều kiện thi hành)…
Đại diện lãnh đạo Viện KSND tỉnh trình bày báo cáo tại cuộc họp. |
Ban Pháp chế đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ và kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trong đó chú trọng việc đề xuất các giải pháp nhằm giảm số vụ việc ly hôn, cho vay lãi nặng; tránh tình trạng oan sai khi khởi tố, xét xử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công vụ…
Các thành viên Ban Pháp chế cơ bản thống nhất cao đối với Dự thảo Nghị quyết về bãi bỏ Nghị quyết số 112/2014/NQ-HĐND ngày 17/7/2014 của HĐND tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng, thanh lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh đóng góp ý kiến tại cuộc họp. |
Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian góp ý đối với báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, buôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cần xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh tăng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, buôn, tổ dân phố cho phù hợp với khối lượng công việc được giao và mặt bằng chung của xã hội; tăng mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; nghiên cứu để có phương án hỗ trợ, bồi dưỡng cho chức danh phó trưởng thôn, buôn, tổ phó tổ dân phố…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc