Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

14:21, 04/01/2023

Sáng 4/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, Bộ KH-ĐT đã chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Bộ KH-ĐT đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và các yêu cầu phát triển bền vững hậu COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo QĐND

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT còn phát huy được vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Nhờ đó, năm 2022, 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt 8,02% (mục tiêu 6 - 6,5%)), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để đại diện các bộ, ngành, địa phương chia sẻ, đóng góp ý kiến về những kết quả năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả mà ngành KH-ĐT đã đạt được trong năm 2022, đồng thời nhấn mạnh, ngành KH-ĐT là ngành kinh tế trưởng có vai trò xuyên suốt và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của nước ta. Vì vậy, trong thời gian tới, toàn ngành cần khẩn trương ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ; tập trung huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; rà soát lại các thể chế còn vướng mắc để tìm cách tháo gỡ; làm tốt công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội để tạo sự đồng thuận trong xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành KH-ĐT cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chiến lược dựa trên tình hình đất nước; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với tiến trình hội nhập quốc tế; tham mưu thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tham mưu các mô hình kinh tế mới.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kết nối các nguồn lực nước ngoài; làm tốt công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.