Multimedia Đọc Báo in

Tạm dừng khai giảng các khóa đào tạo lái xe ô tô mới đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk

17:26, 28/02/2023

Ông Từ Xuân Hòa, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) cho biết, đơn vị đã cho tạm dừng việc khai giảng các khóa đào tạo lái xe ô tô mới đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột).

Việc tạm dừng khai giảng các khóa đào tạo lái xe ô tô mới đối với cơ sở này do chưa thực hiện việc lắp đặt cabin điện tử theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017.

Khu vực sân tập lái xe ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.
Khu vực sân tập lái xe ô tô tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.

Theo quy định tại Thông tư 04, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành. Cabin học lái xe ô tô thực hiện theo lộ trình quy định tại Khoản 2, Điều 47 của Thông tư này.

Cụ thể cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô trước ngày 31/12/2022. Như vậy, từ ngày 1/1/2023 cơ sở đào tạo lái xe ô tô nào không thực hiện việc lắp đặt cabin điện tử sẽ buộc phải tạm dừng công tác tuyển sinh học viên học lái xe ô tô.

Hiện toàn tỉnh có 10 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trong đó có 9 cơ sở đã thực hiện việc lắp đặp cabin điện tử theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, thiết bị cabin tại các cơ sở đào tạo lái xe đã được lắp đặt đầy đủ hệ thống hiển thị hình ảnh, âm thanh; hệ thống máy tính và phần mềm mô phỏng; hệ thống mô phỏng chuyển động; hệ thống vô lăng, hộp số…

Việc thực hiện lắp đặt cabin điện tử ở cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện gặp một số khó khăn như: các đơn vị cung cấp thiết bị rất hạn chế, giá thành cao (từ 400-500 triệu đồng/thiết bị).

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.