Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại giữa Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk với các hộ dân nhận khoán sản xuất cà phê ở buôn Ea Mấp

13:44, 05/05/2023

Sáng 5/5, UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại giữa Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk với các hộ dân nhận khoán sản xuất cà phê ở vùng 87 (buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar).

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại.

Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí: Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cư M’gar.

UBND tỉnh tổ chức buôỉ đối thoại với người dân buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại với người dân buôn Ea Mấp.

Đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk cho biết, vùng 87 có diện tích 74,91 ha đang trồng cà phê, ký hợp đồng giao khoán với 82 hộ nhận khoán đang sinh sống tại buôn Ea Mấp.

Từ năm 2006 trở về trước, Công ty tổ chức giao khoán cho bà con tại vùng 87 theo hình thức khoán có đầu tư, người nhận khoán bỏ công trồng, chăm sóc và ăn chia theo tỷ lệ công ty 60%, hộ nhận khoán 40%. Từ năm 2006 đến 2021, Công ty ký hợp đồng giao khoán theo hình thức khoán gọn.

Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, từ đầu năm 2022 đến nay, có 74 hộ nhận khoán bỏ mặc vườn cây, không chăm sóc. Ngày 24/4/2023, một số người dân buôn Ea Mấp đã cầm cưa, dao... đến vùng 87 để chặt, rong toàn bộ cành cây cà phê, gây tổn hại nghiêm trọng đến tài sản của Công ty.

Đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk phát biểu tại buổi đối thoại
Đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk phát biểu tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân đã đề xuất ý kiến đến lãnh đạo, chính quyển địa phương và Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, xoay quanh nội dung: Đề nghị Công ty trả lại đất cho người dân canh tác; các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết công bằng cho người dân buôn Ea Mấp; Công ty quan tâm đến chế độ, phúc lợi cho người lao động. Nhiều hộ dân cho rằng, phương thức giao khoán của phía Công ty đưa ra trong thời gian qua là cao so với chi phí sản xuất, đầu tư khiến người dân thua lỗ, đời sống gặp nhiều khó khăn...

Người dân buôn Ea Mấp nêu ý kiến tại buổi đối thoại
Người dân buôn Ea Mấp nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của bà con, Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, đại diện chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan đã trả lời cụ thể đối với từng ý kiến, phân tích rõ quy định pháp luật liên quan đến đất đai để bà con hiểu, chấp hành.

Đông đảo bà con buôn Ea Mấp tham gia buổi đối thoại
Đông đảo bà con buôn Ea Mấp tham gia buổi đối thoại.

Phát biểu tại buổi đối thoại, đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, lắng nghe, có chính sách, đầu tư, tạo điều kiện chăm lo đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chia sẻ với các tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng chí đề nghị chính quyền địa phương, phía Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk căn cứ vào tình hình thực tiễn có phương tức giao khoán phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả hai bên, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, việc giải quyết các ý kiến khiếu nại của người dân dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật về đất đai. Về nội dung người dân có nguyện vọng trả lại đất để sản xuất là không có cơ sở pháp lý. Vì diện tích đất này thuộc sở hữu của nhà nước, phía Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk thuê đất và nộp tiền thuê đất cho nhà nước hằng năm theo quy định.

Đồng chí cho biết, UBND tỉnh tiếp thu, cầu thị, lắng nghe, xem xét từng nội dung của bà con đã kiến nghị. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cư M'gar cùng với các sở, ngành liên quan rà soát lại hợp đồng giao khoán, diện tích đất đã bàn giao lại cho địa phương... báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5/2023.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cũng lưu ý chính quyền địa phương, các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét những ý kiến, kiến nghị của bà con và có hướng giải quyết nguyện vọng chính đáng, ổn định đời sống cho bà con...

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.